Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân hóa giải "cơn khát"

10:28, 04/05/2016

Mô hình tưới tiết kiệm nước do Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ thực hiện tại huyện Krông Búk.

Nông dân Đắk Lắk đang phải trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền và bà con nông dân, nhiều doanh nghiệp, bằng cách riêng của mình đã có những hành động thiết thực để cùng người nông dân hóa giải “cơn khát” lịch sử này.

Trong khuôn khổ Dự án Hợp tác công tư “Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam” tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ đã phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý xây dựng các mô hình và đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động xấu và bảo đảm năng suất cà phê. Theo kết quả nghiên cứu, nước tưới là điều kiện tiên quyết trong hoạt động sản xuất cà phê. Tuy nhiên nước tưới dư thừa trong canh tác cà phê Robusta gây ra tình trạng suy giảm mực nước ngầm theo mùa. Tình trạng này đang gia tăng một cách đáng báo động và gây hại không chỉ đến sản xuất cà phê mà còn đến nhiều hoạt động khác của người dân. Tiến sĩ Dave D’Haeze, đại diện Công ty Embden, Drishaus & Epping Consulting (EDE Consulting), đơn vị thực hiện nghiên cứu, cho rằng cần được xem xét trong bối cảnh kinh tế xã hội rộng hơn của toàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên. Thực trạng nước bị thất thoát trong mùa khô do lượng nước tưới cà phê dư thừa không chỉ liên quan đến hoạt động sản xuất và thu nhập của nông dân trồng cà phê mà còn gây nguy hiểm đối với nguồn nước cho hộ gia đình sử dụng cũng như hoạt động tưới cho các cây trồng khác và vấn đề cung cấp năng lượng. Nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 đến 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ là một nửa con số trên, tương đương 300 đến 400 lít. Bên cạnh đưa ra những khuyến nghị, Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sỹ đã tài trợ và xây dựng nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm tại một số địa phương trong tỉnh và đã bước đầu thay đổi nhận thức của nông dân. Ông Hoàng Mạnh Thu (thôn Ea Krôm, xã Cư Né, huyện Krông Búk) là một trong những gia đình được thụ hưởng chương trình này cho biết, chương trình đã hỗ trợ gia đình ông thiết bị và tư vấn phương pháp sử dụng nước tưới hợp lý nên đã tiết kiệm được lượng nước tưới rất lớn mà vẫn bảo đảm sự sinh trưởng và năng suất của vườn cây. Ông Thu cho biết thêm, 100% số hộ trong thôn đều sử dụng giếng đào để tưới nên nếu áp dụng đại trà phương pháp này là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hạn hán như hiện nay.

Mô hình tưới tiết kiệm nước do Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ thực hiện tại huyện Krông Búk.
Mô hình tưới tiết kiệm nước do Tập đoàn Nestlé và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ thực hiện tại huyện Krông Búk.

Với mong muốn cùng bà con nông dân vượt qua khó khăn trong mùa hạn này, thời gian qua, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Đăng Phong (Daphovina) cũng đã có những việc làm thiết thực theo cách riêng của mình. Giám đốc Daphovina Nguyễn Đăng Phong cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng máy bơm nước của bà con nông dân, công ty đã tổ chức tăng ca liên tục trong những tháng gần đây. Việc tăng ca khiến chi phí sản xuất tăng cao, nhưng đơn vị vẫn giữ nguyên giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm bán ra. Khác với những năm trước đây, bên cạnh việc tư vấn qua điện thoại, mùa hạn năm nay công ty đã tổ chức cho cán bộ kỹ thuật đến tận vườn để tư vấn khi bà con yêu cầu. Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ hơn nữa những khó khăn hiện tại của người nông dân, công ty sẵn sàng bán hàng trả chậm cho những khách hàng khó khăn.

Có thể thấy, bằng cách này hay cách khác, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang đồng hành cùng người nông dân trong mùa hạn này. Với những sẻ chia thiết thực đó đã phần nào giúp bà con vượt qua khó khăn.

 Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.