Thổi hồn vào cội rễ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, anh Nguyễn Văn Hùng (khối 3, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) từng phải bỏ dở việc học hành để lao động kiếm sống. Năm 2004, khi mới vào Đắk Lắk lập nghiệp, anh phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống.
Vốn đam mê cây cảnh, sau những ngày làm việc mệt nhọc, Hùng đi tìm những gốc cây cảnh nhỏ ở sông suối mang về nhà trồng, uốn thế. Trong những lần “đi săn” như vậy, Hùng tìm được nhiều gốc cây già bỏ đi mang về bán lại cho các cơ sở đẽo tượng ở địa phương để kiếm thêm tiền. Nhiều lần đến các cơ sở điêu khắc tượng, anh thấy tò mò quan sát rồi say mê kỹ thuật đục đẽo tượng. Năm 2006, anh mang gốc cây về nhà tự đục đẽo tượng theo ý thích của mình. Cứ nghĩ việc đục đẽo tượng chỉ làm chơi để thỏa niềm đam mê, thế nhưng như một cơ duyên đến với nghề chạm khắc, nhiều người xung quanh rất thích các tác phẩm của Hùng và tìm đến nhờ anh đẽo tượng.
Anh Nguyễn Văn Hùng bên một tác phẩm của mình. |
Hùng được nhận vào làm thợ trong một cơ sở chạm khắc gỗ. Với tinh thần học hỏi, tự rút kinh nghiệm từ bạn đồng nghiệp, dần dần anh tích lũy riêng cho mình những kinh nghiệm quý báu của nghề đục tượng. Năm 2013, anh tách ra mở cơ sở chạm khắc của riêng mình. Cơ sở của Hùng chuyên đẽo tượng Phúc Lộc Thọ, Phật Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma với các thế khác nhau như: Bồ Đề Đạt Ma ngồi dưới gốc tùng, Di Lặc ngồi thư thái, hay Di Lặc với trẻ em, Di Lặc tay cầm thỏi vàng... Với bàn tay khéo léo của mình, Hùng tận dụng đầu thừa đuôi thẹo của gốc cây chế tác thành những pho tượng sinh động, có hồn. Trên từng thớ gỗ, anh đã bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp và mang nét độc đáo. Anh tâm sự: để làm ra một bức tượng gỗ, người thợ ngoài khả năng tạc, đẽo gỗ điêu luyện thì phải có một trí tưởng tượng phong phú cùng với khả năng hội họa tốt.
Để biến một khúc gỗ, gốc cây vô tri thành một bức tượng theo mẫu mà khách yêu thích là vô cùng vất vả. Thông thường để làm ra một bức tượng, Hùng phải mất một tuần nhưng có những bức tượng khó, anh phải làm cả tháng. Công đoạn khó nhất để đẽo một bức tượng là tạo hình khuôn mặt. Ở công đoạn này, nếu không cẩn thận, bức tượng có thể hỏng chỉ vì một đường đục hơi mạnh tay hoặc không chính xác. Khi có đơn đặt hàng, anh phải mất một thời gian suy ngẫm tìm hướng làm vì tạc tượng ngoài việc biến khúc gỗ đó giống y hệt với bức ảnh mẫu, còn phải tạo được thần thái cho tượng. Ngoài những mẫu tượng truyền thống, anh còn mày mò trên mạng Internet để tham khảo thêm những mẫu tượng mới giàu ý nghĩa. Anh còn làm ra các bức tranh gỗ ghép độc đáo với chủ đề đất nước, quê hương.
Đến nay, cơ sở của Hùng đã sản xuất hàng trăm bức tượng gỗ. Sản phẩm của anh đã được bán ra nhiều tỉnh, thành trong nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang. Hiện nay, cơ sở của anh thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 3 lao động với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Đoàn Văn Hân
Ý kiến bạn đọc