Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên từ học nghề

07:09, 02/07/2016

Trước đây, thu nhập của gia đình Y D’Hiăm Niê (buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) chỉ trông vào quán cắt tóc của anh và vài sào đất trồng cà phê, xen tiêu được bố mẹ cho khi ra ở riêng nên cuộc sống chỉ đủ ăn.

Năm 2008, nhận thấy nhu cầu xây dựng ở địa phương ngày càng lớn, Y D’Hiăm Niê xin đi làm phụ hồ để học nghề. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, Y D’Hiăm đã nhanh chóng biết xây và có thể tự mình đảm nhận được những công trình. Khi đã lành nghề, anh mạnh dạn tập hợp các thanh niên trong buôn lại thành lập đội xây dựng Y D’Hiăm với hơn 30 thành viên tham gia...

Anh Y D’Hiăm Niê (phải) đang hướng dẫn thợ hoàn thiện phần mái của một ngôi nhà ở buôn Cuôr Đăng B.
Anh Y D’Hiăm Niê (phải) đang hướng dẫn thợ hoàn thiện phần mái của một ngôi nhà ở buôn Cuôr Đăng B.

Những ngày mới đi vào hoạt động, do tất cả các thành viên trong đội đều chưa được đào tạo, xây dựng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên các công trình chưa được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật khiến “đơn hàng” không nhiều. Không nản lòng, Y D’Hiăm quyết tâm thực hiện cho bằng được nghề mình đã chọn. Năm 2014, anh đăng ký học lớp nghề xây dựng dân dụng tại Trung tâm Dạy nghề huyện. Sau 6 tháng học nghề, anh đã dần tháo gỡ được những khó khăn mắc phải… Anh còn tích cực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, khảo sát thị trường để có những mẫu nhà đẹp. Hiện nay, Y D’Hiăm có thể tự mình thiết kế, tính vật tư, kinh phí… cho những ngôi nhà. Nhờ đó, những công trình được đội xây dựng của anh thực hiện ngày càng có chất lượng cao và được nhiều khách hàng tìm đến. Giờ đây, các hộ trong buôn mỗi khi cần xây dựng hay sửa chữa đều gọi đội xây dựng Y D’Hiăm. Anh còn nhận nhiều công trình ở các thôn, buôn khác trong xã. Mỗi năm bình quân đội xây dựng Y D’Hiăm đảm nhận thi công từ 5 – 10 công trình nhà ở lớn, nhỏ; kiêm thêm làm trần thạch cao. Mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, anh còn tích lũy được từ 70 – 80 triệu đồng. Điều đáng trân trọng là Y D’Hiăm không hề giấu giếm bí quyết nghề nghiệp cho riêng mình mà luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa lập nghiệp...

Nhận xét về Y D’Hiăm Niê, anh Y Su Ađrơng, Bí thư Đoàn xã Cuôr Đăng cho biết: “Y D’Hiăm là một cá nhân tiêu biểu trong làm kinh tế ở địa phương, rất chịu khó, tìm tòi, học hỏi và thạo nghề. Bà con trong buôn và nhiều buôn khác rất tín nhiệm đội xây dựng của Y D’Hiăm. Hộ  của Y D’Hiăm giờ là hộ có thu nhập ổn định, nếu tính trong cùng lứa tuổi thì có thu nhập khá hơn”.           

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.