Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng sầu riêng VietGAP

14:34, 28/09/2016

Mặc dù chỉ được thực hiện thí điểm trên diện tích 8 ha, nhưng thành công từ mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Krông Pắc đã mở ra triển vọng lớn trong việc sản xuất sạch và xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng.

Sầu riêng là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đang phát triển mạnh ở huyện Krông Pắc trong những năm gần đây. Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000 ha sầu riêng (chiếm 38,3% diện tích toàn tỉnh), tập trung nhiều nhất là thị trấn Phước An, xã Ea Yông, Ea Kênh… với các giống cơm vàng hạt lép có phẩm cấp, chất lượng tốt như DONA, Mongthong, Ri6… Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng và các hóa chất không rõ nguồn gốc để kích thích trái chín khiến người tiêu dùng hoang mang, ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu sản phẩm. Do đó, việc canh tác bền vững, đúng quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm an toàn là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đầu năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã phối hợp với Công ty TNHH MTV cà phê Phước An triển khai mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình được triển khai trên diện tích 8 ha sầu riêng xen canh cà phê của 9 hộ dân với giống DONA, vườn cây đang giai đoạn kinh doanh. Chi cục đã tổ chức tập huấn cho các hộ tham gia mô hình về quy trình kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt, kiến thức về an toàn thực phẩm và cách sử dụng hóa chất trong sản xuất sầu riêng; tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho các hộ dân; đồng thời cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ, biểu mẫu kiểm soát quá trình sản xuất, thu hoạch…

Cán bộ Công ty TNHH MTV cà phê Phước An kiểm tra vườn sầu riêng VietGAP của người dân.
Cán bộ Công ty TNHH MTV cà phê Phước An kiểm tra vườn sầu riêng VietGAP của người dân.

Bà Đinh Thị Ngà (buôn Đung, xã Ea Yông) là một trong những thành viên tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1 ha. Bà cho biết, trong quá trình sản xuất được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu chăm sóc đến việc quản lý, phòng trừ các loại sâu bệnh, nhờ đó sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất cao hơn trước đây khoảng 0,5 tấn/ha, vụ này bà thu được 22 tấn, với giá bán 42.000 đồng/kg, thu lợi gần cả trăm triệu đồng. Còn anh Phạm Văn Nghệ cho biết, trước đây, anh trồng sầu riêng theo kinh nghiệm của bản thân, từ khi tham gia mô hình, anh biết cách chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu một cách hợp lý và ghi chép nhật ký thường xuyên nhằm hướng đến mục tiêu phát triển vườn bền vững.

Ông Trương Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Phước An cho biết, so với trồng theo phương pháp truyền thống, sầu riêng VietGAP có chi phí đầu tư chăm sóc cao hơn, nhưng về lâu dài, khi triển khai trên diện tích lớn và bà con quen với quy trình này thì chi phí sẽ giảm. Hơn nữa mục đích lớn nhất đơn vị hướng đến là sản xuất bền vững, tạo sản phẩm sạch, có thương hiệu, gắn với liên kết tiêu thụ trên quy mô lớn. Hiện một số đối tác như siêu thị Coopmart, Metro… đã cam kết bao tiêu sản phẩm sầu riêng VietGAP số lượng lớn với giá cao hơn mức giá chung của thị trường 2.000 đồng/kg, nên thời gian tới, công ty có kế hoạch mở rộng diện tích trồng loại trái cây này.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, mô hình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả cao về kinh tế, thân thiện với môi trường và sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là sản phẩm chưa được gắn logo VietGAP, nên người tiêu dùng khó nhận biết và phải cạnh tranh với sản phẩm không đạt chuẩn trên thị trường. Nếu giải quyết được hạn chế này, cùng với tăng liên kết 4 nhà trong sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm thì sầu riêng VietGAP sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất loại trái cây này, tăng hiệu hiệu quả kinh tế cho người nông dân và giá trị sầu riêng Đắk Lắk.           

VietGap (Vietnamese Good Agricultrural Practices) là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, tập hợp các tiêu chí do Bộ NN-PTNT ban hành đối với từng loại nông sản nhằm bảo đảm các tiêu chí về quy trình kỹ thuật sản xuất, sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.


Minh Thông


Ý kiến bạn đọc