Multimedia Đọc Báo in

Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

17:56, 27/09/2016

Táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, một số thanh niên ở huyện Ea Kar đã thành công với mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững…

Khởi nghiệp mô hình VAC

Anh Đỗ Đức Xô, sinh năm 1983 (ở thôn 8, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) khiến không ít người ngưỡng mộ bởi sau bao phen thành bại giờ đã là ông chủ của một trang trại vườn, ao, chuồng (VAC) với nguồn thu nhập ổn định. Năm 2005, anh Xô được bố mẹ cho 6 sào đất trồng cà phê và nuôi heo thịt. Khởi nghiệp đúng thời điểm giá cà phê giảm sâu, nên anh gặp không ít khó khăn.

Không nản lòng, anh Xô lặn lội đến các trang trại để học hỏi kinh nghiệm; tham gia các hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do Huyện Đoàn phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức. Cuối cùng, anh Xô quyết định chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng hồ tiêu, nuôi bò sinh sản, đào ao thả cá và mở rộng trại nuôi heo. Gần đây, nhận thấy nhu cầu chuyên chở nông sản và cải tạo đất của người dân ngày càng nhiều, lại được Huyện Đoàn tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, anh Xô mạnh dạn mua 2 máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Anh Đỗ Đức Xô trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cán bộ Đoàn thị trấn Ea Kar.
Anh Đỗ Đức Xô trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cán bộ Đoàn thị trấn Ea Kar.

Gần đây, anh Xô còn thành lập cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; sau khi trừ chi phí gia đình anh lãi 200 triệu đồng mỗi năm; thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.

Chữ “tín” trong lập nghiệp

Tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề số 8 (Đồng Nai), Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1983) dễ dàng có được công việc với mức lương ổn định tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng anh đã từ bỏ để về quê (thôn 9, xã Ea Đar, huyện Ea Kar) mở tiệm cơ khí.

Với phương châm “lấy chữ tín làm đầu”, các sản phẩm do anh làm bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Không dừng lại ở đó, anh không ngừng hoàn thiện mẫu mã, nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm. Do thiếu vốn để đầu tư máy móc chuyên dụng… nên anh gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm. Đúng lúc đó, anh được Huyện Đoàn và Hội LHTN Việt Nam huyện giúp tiếp cận với các nguồn vốn vay khởi nghiệp, như: Dự án Sinh kế bền vững cho thanh niên (của Tổ chức ActionAid Việt Nam), Ngân hàng Chính sách xã hội... Đầu năm 2012, có vốn trong tay, anh Tùng đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng sản xuất, thuê và đào tạo nhân công. Hiện nay, không chỉ làm giàu cho bản thân, xưởng cơ khí của anh Tùng còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng; mùa cao điểm anh còn thuê thêm 3-5 lao động thời vụ với tiền lương từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng... Mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Tùng chia sẻ: “Tôi đã phải loay hoay mãi mới tìm được hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Nếu không có sự “tiếp sức” của Đoàn thanh niên, chắc khó có được thành công như ngày hôm nay. Vì vậy, tôi sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp những thanh niên khác lập thân, lập nghiệp”....”.    

Để thiết thực hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, đến nay, Huyện Đoàn Ea Kar đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, đơn vị hỗ trợ cho hơn 1.930 hộ thanh niên được vay vốn với số tiền là 40,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,44%.

Chị H’Nan Byă, Bí thư Huyện Đoàn Ea Kar


 Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc