Tái canh cà phê – doanh nghiệp cũng "vướng"
Tình hình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đối với diện tích cà phê do các doanh nghiệp (DN) quản lý được tập trung thành vùng chuyên canh những tưởng sẽ dễ dàng tái canh hơn, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Tái canh là tất yếu
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 203 nghìn ha cà phê, trong đó có gần 28 nghìn ha đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh. Đáng chú ý là có khoảng 10% diện tích cà phê do các DN quản lý, tập trung thành vùng chuyên canh, nhưng hầu hết lại được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước nên cần sớm tái canh. Chẳng hạn như Công ty TNHH MTV cà phê 719 có 356 ha cà phê thì có 200 ha cho năng suất chưa được 1 tấn/ha. Phó Giám đốc Công ty 719 Nguyễn Duy Tuân cho biết, với năng suất như vậy, càng kinh doanh công ty càng lỗ nặng nên nhất thiết phải được tái canh ngay diện tích này. Do đó, năm 2014, công ty đã tái canh thành công 21 ha, cây cà phê phát triển tương đối tốt và đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch năm đầu tiên. Ngoài ra, công ty đã nhổ bỏ 115 ha và đang trong giai đoạn cải tạo đất, đến hết năm 2016 sẽ hoàn tất việc nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê già cỗi. Tương tự, Công ty TNHH MTV cà phê Việt Đức có 672 ha cà phê trồng từ trước năm 1980 nên năng suất, chất lượng rất thấp. Trước thực tế đó, công ty cũng đã tích cực triển khai tái canh vườn cà phê của mình. Theo Trưởng phòng Kế hoạch – Khuyến nông Công ty Việt Đức Thái Văn Nhựt, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã tái canh được gần 240 ha và trong vòng 5-6 năm tới, công ty sẽ phải hoàn thành việc tái canh toàn bộ diện tích cà phê đang quản lý. Một đơn vị khác cũng có diện tích cà phê cần tái canh lớn là Công ty TNHH MTV cà phê Drao, trong số trên 500 ha hiện có thì phần lớn diện tích đã được trồng cách đây gần 40 năm, đã qua giai đoạn khai thác khá lâu nên việc tái canh cũng đang được đơn vị xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Kiểm tra vườn cây tái canh tại Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức. |
Vẫn còn nhiều khó khăn
Có một đặc điểm chung giữa các DN trên là diện tích cà phê đã vào giai đoạn phải tái canh đồng loạt, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tiến độ tái canh ở đây vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu đề ra. Khó khăn nhất là vấn đề kỹ thuật. Theo quy trình tái canh do Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ban hành, để có thể trồng lại cây cà phê, đất phải được cải tạo ít nhất trong 2 năm. Thế nhưng, theo ông Thái Văn Nhựt, mặc dù đã thực hiện đúng khuyến cáo, nhưng tỷ lệ cây chết vẫn khá cao (20-30%). Nguyên nhân là do ở một số vườn cây, tuyến trùng rễ vẫn chưa bị tiêu diệt hết. Trước tình trạng trên, Công ty Việt Đức đã phải thuê chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên xét nghiệm tuyến trùng rễ trước khi trồng, dẫn đến việc tăng chi phí đầu tư so với định mức được ngân hàng phê duyệt. Một khó khăn khác là về các khoản vay ngân hàng, theo quy định, ngân hàng sẽ giải ngân theo từng giai đoạn tái canh với điều kiện DN có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến công việc trong giai đoạn đó. Nhưng theo ông Nhựt, điều này rất khó thực hiện bởi có nhiều giai đoạn, đơn vị phải thuê nhân công, thiết bị bên ngoài mà họ thì không thể xuất hóa đơn, chứng từ được. Một vấn đề khác là quy định cấm trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê tái canh cũng “làm khó” DN.
Công nhân đang cải tạo đất trong thời gian chờ tái canh tại Công ty TNHH MTV Cà phê 719. |
Rõ ràng, các DN đều nhận thức được sự cần thiết phải tái canh cây cà phê trong giai đoạn hiện nay, nhưng trước những vướng mắc trên, DN rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là từ cơ chế, chính sách phải phù hợp với thực tế để việc tái canh sớm hoàn thành, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của cây cà phê tại Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung.
Trưởng Phòng Nông nghiệp Công ty TNHH MTV cà phê 719 Phan Trung Thành cho biết, để bảo đảm đời sống cho người lao động, trong giai đoạn cải tạo đất chờ tái canh, công ty đã cho công nhân được trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp. Nhiều công nhân đã trồng khoai lang Nhật, cho năng suất cao, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Đây là kinh nghiệm hay cho cả các DN lẫn các nông hộ trong quá trình tái canh cà phê. |
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc