Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ lúa cạn

09:12, 14/11/2016

Vụ hè thu 2014, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh đã hỗ trợ nguồn giống lúa cạn nguyên chủng LC 408 cho thị trấn Quảng Phú, xã Cư Dliê Mnông và Ea M’droh (huyện Cư M’gar) để trồng khảo nghiệm trên các chân đất khác nhau và cho năng suất đạt 6 tấn/ha.

Từ thành công của mô hình thí điểm, vụ hè thu 2015, địa phương đã nhân rộng giống lúa này trong toàn huyện, trong đó, riêng Nông trường cao su Phú Xuân cho người dân gieo tỉa xen canh trong 311 ha đất trồng cao su trồng mới, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Cư M’gar cũng hỗ trợ triển khai mô hình lúa cạn tại hộ ông Y Chương Niê, buôn Gram B, xã Ea Drơng, với diện tích 1 ha, gieo tỉa xen trong đất trồng khai hoang và cao su thanh lý. Kết quả, năng suất lúa đạt 46 tạ/ha, phẩm chất gạo tốt, dẻo, ngon cơm, hạt gạo dài, không bạc bụng.

Ông Trương Bảy, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư M’gar cho biết, giống lúa cạn LC 408 có khả năng thích nghi và tính chống chịu hạn, kháng bệnh tốt, nếu được trồng đại trà và điều kiện thâm canh tốt có thể đạt năng suất 50-55 tạ/ha, góp phần khai thác những diện tích đất xấu, nhàn rỗi và không trồng được các loại cây khác. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện có 135 ha lúa cạn, trong đó, xã Cư Dliê Mnông 35 ha, Ea Drơng 25 ha, Ea Mdroh 15 ha…, năng suất đạt gần 67 tạ/ha. Đặc biệt, giống lúa này được khuyến khích trồng tại khu vực ven sông, suối, đồi trên chân ruộng 1 vụ không chủ động được nguồn nước hoặc xen canh ở những diện tích trống của nương cà phê, tiêu, cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản hoặc vườn cây ăn quả chưa khép tán, chưa kín hàng.

Cán bộ Liên hiệp các hội Khoa học  kỹ thuật tỉnh  và Trạm  Khuyến nông  huyện Cư Kuin kiểm tra mô hình lúa cạn tại  xã Đray Bhăng,  huyện Cư Kuin.
Cán bộ Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin kiểm tra mô hình lúa cạn tại xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích trồng lúa cạn, năm 2016, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh hỗ trợ chuyển giao mô hình trồng lúa cạn trên diện tích 0,5 ha đất rẫy của ông Y Be Knul, buôn Hra H’ning, xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin. Anh Y Be Knul cho biết, diện tích này trước đây gia đình anh trồng lúa rẫy truyền thống và cà phê nhưng năng suất thấp, nên chuyển sang trồng lúa cạn, giống lúa này phù hợp với cách trồng tỉa lâu nay của anh, chi phí đầu tư, chăm sóc thấp, vụ vừa rồi sản lượng đạt 3,6 tấn, năng suất khoảng 7,2 tấn/ha. Theo đánh giá của ông Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, giống lúa này có khả năng đẻ nhánh mạnh, nên tiết kiệm được lượng giống trên một đơn vị diện tích, cây cứng, chất lượng gạo thơm ngon. Tuy nhiên, giống lúa này có khả năng sinh trưởng nhanh và cao cây, do đó, bà con nông dân cần bón phân theo phương pháp nặng đầu, nhẹ cuối để cây lúa kịp thời đẻ nhánh và không đổ ngã hoặc bị lép hạt.

Lúa cạn cho năng suất bình quân 65 – 70 tạ/ha và phù hợp với những khu vực đất 1 vụ và không chủ động được nước tưới. Vụ hè thu năm 2016, toàn tỉnh có gần 1.500 ha lúa cạn, tập trung nhiều tại huyện Cư M’gar, Ea Súp, Lắk và M’Đrắk. Tuy nhiên, lúa cạn tại một số địa phương năng suất chỉ đạt khoảng 50 tạ/ha, do khi gieo hạt giống bà con lấp đất quá sâu dẫn đến cây lúa nảy mầm yếu, phát triển kém; gieo sạ không đều nhưng để cho cây lúa già mới tiến hành nhổ dặm khiến lúa sinh trưởng kém.    

Lúa cạn không phải lúa rẫy

Do cây cao, hạt to nên một số bà con nhầm lẫn giống lúa cạn mới với giống lúa rẫy truyền thống của người Êđê trước đây, nên áp dụng sai quy trình kỹ thuật dẫn đến năng suất chưa cao. Điều đáng chú ý nhất là lúa sinh trưởng phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nước trời, nên thời vụ từ khi gieo cho đến khi thu hoạch phải bố trí trong mùa mưa.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc