Cấp bách đổi mới ngành Thủy lợi
Tái cơ cấu ngành nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực phục vụ sản xuất đang là yêu cầu cấp thiết của ngành Thủy lợi.
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có 771 công trình (CT), gồm 600 hồ chứa, 115 đập dâng, 56 trạm bơm và 2.031 km kênh mương các loại, phục vụ tưới cho 244.320 ha cây trồng. Đa số các CT có khả năng vận hành hơn 75% năng lực thiết kế, tuy nhiên thực tế nhiều CT chỉ đạt dưới 50% năng lực thiết kế, một số CT hiệu quả thấp. Đơn cử, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk được giao quản lý 308 CT, trong đó phần lớn CT đã xây dựng hơn 20 năm nên hiện đã xuống cấp hư hỏng, lòng hồ bị bồi lắng. Bên cạnh đó, nhiều CT bị người dân lấn chiếm, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến dòng chảy...
Công trình thủy lợi Krông Búk Hạ. |
Các CT do địa phương quản lý cũng trong tình trạng tương tự. Tại huyện M’Đrắk có 60 CT và 76 km kênh mương, thì 8 CT hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn và 70% kênh mương đã xuống cấp. Tương tự, huyện Ea Kar hiện có 67 CT (52 hồ chứa, 2 đập dâng và 13 trạm bơm tưới), trong số đó, 20% đã sử dụng nhiều năm nên xuống cấp, hiệu quả vận hành không cao. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT), hạn chế lớn nhất của ngành Thủy lợi hiện nay là nguồn vốn đầu tư còn ít, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch và các quy hoạch chưa sát với nhu cầu, tình hình thực tế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và năng lực quản lý, khai thác vận hành các CT còn hạn chế.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đổi mới ngành Thủy lợi. Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, toàn tỉnh nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới 536 CT, phục vụ tưới cho gần 262.000 ha cây trồng, trong đó, 61.400 ha lúa và hơn 200.000 ha cây công nghiệp, hoa màu. Riêng đối với cây cà phê, HĐND tỉnh có Nghị quyết 153/2015/NQ-HĐND, ngày 10-7-2015 về phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, sẽ đầu tư 15.310 tỷ đồng để sửa chữa 110 CT, nâng cấp 161 CT, xây mới 82 CT và đầu tư công nghệ tưới nước tiết kiệm cho 30.000 ha cà phê. Về hệ thống kênh mương, sẽ kiên cố hơn 320 km kênh mương các loại, bảo đảm đủ lưu lượng và đạt cao trình mực nước thiết kế; hoàn chỉnh đồng bộ thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng đối với hệ thống thủy nông hiện có, tổng vốn đầu tư gần 685 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA 455 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 56 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 139 tỷ đồng...
Kênh dẫn nước từ hồ Ea Nhái đến khu vực sản xuất của xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc. |
Ông Vũ Minh Đức, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi cho biết, ngành Nông nghiệp đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy lợi theo Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21-4-2014 của Bộ NN-PTNT. Đối với hệ thống thủy lợi nội đồng, sẽ nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh nội đồng, bố trí đường giao thông nội đồng hợp lý phục vụ sản xuất lúa. Riêng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì từng bước hiện đại hóa hệ thống tưới, ứng dụng khoa học công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, áp dụng các phương thức, quy trình canh tác tiên tiến thích hợp. Kế hoạch này cũng xác định, đối với các CT thủy lợi do Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh quản lý thì tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương, CT trên kênh, xây mới hệ thống kênh mương, trạm bơm để tăng năng lực cấp nước, tiêu thoát nước của hệ thống. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống kênh mương các CT thủy lợi trọng điểm của tỉnh như hồ chứa nước Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ… và tiếp tục thúc đẩy đầu tư các hồ chứa nước Krông Pắc Thượng, Krông H’năng, Ea H’leo 1.
Tổng diện tích cây trồng được tưới đạt gần 76,4%
Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh có khả năng phục vụ nước tưới cho hơn 244.300 ha cây trồng, tương đương 76,35% tổng diện tích cây trồng chính. Cụ thể, tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi 133.925 ha, khai thác nước tưới từ các nguồn nước mặt và nước ngầm tưới cho 110.395 ha.
|
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc