Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến sản xuất cà phê bền vững

09:46, 06/01/2017

Đầu năm 2016, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp (KHKT – NLN) Tây Nguyên và Công ty TNHH Dịch vụ Nông lâm nghiệp Hồng Giang (TP. Buôn Ma Thuột) đã phối hợp triển khai Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp cà phê đạt hiệu quả, bền vững và được chứng nhận tại Tây Nguyên” tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Dự án có tổng kinh phí hơn 384,5 triệu đồng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ, thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2014 – 2016.

Xã Đạ K'Nàng có diện tích đất tự nhiên trên 5.100 ha, trong đó, cây cà phê chiếm 85% diện tích. Đây là xã đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số chiếm trên 52% nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế. Chính vì vậy, dù có diện tích cà phê lớn nhưng việc sản xuất của nông dân vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao và chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường cà phê xuất khẩu.

Khi thực hiện dự án, các đơn vị chủ quản đã phối hợp với chính quyền địa phương chọn 50 hộ tự nguyện tham gia với diện tích 25 ha cà phê chè thời kỳ kinh doanh. Các hộ được hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê bền vững theo Bộ nguyên tắc UTZ Certified và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), được hỗ trợ phân bón, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, được tập huấn kỹ thuật làm cỏ, tủ gốc giữ ẩm, trồng xen, tạo bồn, cắt cành, tưới nước, bón phân cân đối, hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê, biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Trong quá trình triển khai dự án, 4 cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám cơ sở, tận tình hướng dẫn và hỗ trợ nông dân, hướng dẫn các hộ tuân thủ kỹ thuật và thực hiện đúng các tiêu chí Bộ nguyên tắc UTZ Certified, thu hái cà phê chín đạt tỷ lệ khoảng 90% và phơi ngay sau khi hái trên bạt, trên sân xi măng.

 Lãnh đạo Viện KHKT – NLN Tây Nguyên và Công ty TNHH Dịch vụ Nông lâm nghiệp Hồng Giang thăm và kiểm tra mô hình.
Lãnh đạo Viện KHKT – NLN Tây Nguyên và Công ty TNHH Dịch vụ Nông lâm nghiệp Hồng Giang thăm và kiểm tra mô hình.

Ông Trương Kiến Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông lâm nghiệp Hồng Giang cho biết, Bộ nguyên tắc UTZ Certified là chứng chỉ giúp nhà sản xuất cà phê chứng minh đã thực hiện các thực hành nông nghiệp tốt và phương pháp canh tác hiệu quả, có tính bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Các nông hộ tham gia chương trình sản xuất cà phê theo Bộ nguyên tắc UTZ Certified đã được giám sát quá trình thực hiện, tiến hành kiểm tra thực tế tại vườn cây và cấp giấy chứng nhận; toàn bộ sản phẩm được Công ty TNHH Cà phê Hồ Phượng (Lâm Đồng) thu mua với giá cao hơn 200 đồng/kg so với giá thị trường.

Theo đánh giá của Viện KHKT – NLN Tây Nguyên, việc sản xuất cà phê bền vững theo Bộ nguyên tắc UTZ Certified là hướng đi đúng đắn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sản xuất cà phê theo bộ nguyên tắc này không chỉ tăng năng suất trung bình của 1 ha cà phê từ 3,6 tấn lên 4,1 tấn, lợi nhuận tăng thêm khoảng 21 triệu đồng/ha mà còn  giúp bà con tưới nước tiết kiệm, bón phân tập trung, cào đất lấp phân sau bón để tránh tình trạng phân bốc hơi. Bên cạnh đó, nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở danh mục thuốc cấm, vỏ chai thuốc và các loại rác thải được thu gom, chôn lấp theo quy định. Các nông hộ còn áp dụng an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên môi trường và giảm thiểu tai nạn trong sản xuất.

Hiện nay, mô hình đã tác động mạnh mẽ đến ý thức sản xuất, trách nhiệm cũng như giá trị mang lại đối với các nông hộ khác trên địa bàn. Vì vậy, ngoài 50 hộ tham gia mô hình và đã được cấp giấy chứng nhận thì còn có 433 hộ khác cũng được Công ty TNHH Cà phê Hồ Phượng hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn áp dụng Bộ nguyên tắc UTZ Certified và đã được cấp giấy chứng nhận với diện tích 598 ha. Hơn nữa do lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, Công ty TNHH Cà phê Như Tùng cũng tham gia hướng dẫn, hỗ trợ nông dân nhằm hướng đến sản xuất cà phê bền vững.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc