Khẳng định thương hiệu "made in Đắk Lắk"
Những năm gần đây, sản phẩm mang thương hiệu “made in Đắk Lắk” đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã và đang hướng đến việc tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn của địa phương…
Từng bước khẳng định thương hiệu
Có thể kể đến rất nhiều sản phẩm “made in Đắk Lắk” đã có chỗ đứng trên thị trường, như cà phê Trung Nguyên, cà phê Phượng, Hương Giang, Trung Hòa, mật ong Đắk Lắk, cơ khí Đăng Phong, Đắc Hải, Hưng Thịnh, Viết Hiền…, bơ sáp DAKADO, nấm Hà Hương, linh chi Việt, măng khô Hợp Nhất, gạo Ea Súp, gạo 721, chả cá thác lác Hồ Lắk, giò chả Lan Liễu, chả bà The, đồ thủ công mỹ nghệ của hợp tác xã mây tre đan Phú Thịnh (huyện Krông Pắc)…
Trong nhóm hàng thực phẩm, một trong những sản phẩm đã định vị thương hiệu là bánh tráng của làng nghề bánh tráng Ea Bar (Buôn Đôn). Cũng là thức bánh dân dã, quen thuộc với nhiều gia đình, nhưng sản phẩm ở đây gần như phải dùng gạo nguyên chất để làm, chỉ có một tỉ lệ rất ít bột sắn để bánh phơi không bị nứt nẻ và nhúng nước thì dẻo hơn, khi nướng lên có độ thơm giòn đặc trưng. Hiện tại, HTX có trên 180 xã viên, trung bình một ngày mỗi hộ làm ra 400-500 chiếc bánh để cung ứng cho thị trường, chủ yếu trên địa bàn huyện Buôn Đôn và các huyện lân cận, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Các sản phẩm của HTX mây tre đan Phú Thịnh tại hội chợ diễn ra ở TP. Buôn Ma Thuột.- |
Nhiều năm nay, các sản phẩm trái bơ, hạt mắc ca của Liên minh DAKADO (60 Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chiếm được cảm tình của nhiều người tiêu dùng. Trước nhu cầu tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn thì sản phẩm này trở thành lựa chọn của nhiều người bởi được kiểm soát chuỗi giá trị theo quy trình khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, phân phối. Trái bơ không phun thuốc trừ sâu, cây không bón nhiều phân hóa học và việc đóng gói, dán nhãn, vận chuyển được thực hiện theo đúng quy cách.
Hàng hóa Đắk Lắk đã từng bước có chỗ đứng nhất định trên thị trường, không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang…
Mặc dù cạnh tranh với nhiều vật dụng công nghiệp, đồ gia dụng bằng nhựa, sứ với lợi thế giá rẻ, tiện lợi, những sản phẩm mây tre đan lát như chiếc bình trà, giỏ rượu cần hay khay đựng trái cây, giỏ xách… của HTX Phú Thịnh (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Với xu hướng tìm mua các sản phẩm đan lát bằng tay, múi lận chắc chắn, tinh xảo và chất liệu thân thiện với môi trường của nhiều người tiêu dùng, những vật dụng này có sức tiêu thụ khá cao. Trung bình mỗi tháng, HTX làm ra khoảng 20.000 sản phẩm.
Đặt chữ “tín” lên hàng đầu
Người tiêu dùng luôn sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, nhất là hàng nội tỉnh và ưu tiên lựa chọn để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của mình ngày càng nhiều hơn. Anh Bùi Hồng Hải (người tiêu dùng phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Hàng được sản xuất ngay tại địa phương có nguồn gốc rõ ràng, giá thành thấp hơn so với sản phẩm cùng loại, chất lượng bảo đảm nên anh thường ưu tiên chọn mua. Khi sản phẩm có sự cố hay bị trục trặc về kỹ thuật anh đều tìm đến tận nơi sản xuất và được tư vấn, bảo hành thỏa đáng.
Sản phẩm Bơ DAKADO có mặt tại nhiều siêu thị trong cả nước. |
Sự quan tâm, tin dùng của đông đảo khách hàng chứng tỏ lợi thế của hàng hóa địa phương, đồng thời, cho thấy năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của DN nội tỉnh. DN đang tự nỗ lực nâng cao chất lượng, giữ vững uy tín để có chỗ đứng lâu dài trong lòng người tiêu dùng.
Chị PHẠM THỊ THANH TRINH, đại diện thương hiệu DAKADO cho biết
|
Nhiều năm nay, các sản phẩm bơm chìm của Dafovina (cơ khí Đăng Phong) cũng giữ vững uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của DN này ngoài độ bền, khả năng đẩy nước lên cao còn có chế độ hậu mãi thỏa đáng. Điều này lý giải vì sao trong khi thị trường bơm chìm có thêm nhiều cơ sở sản xuất mới, thì Dafovina vẫn giữ được lượng khách hàng ổn định. Theo ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty thì doanh nghiệp phải linh hoạt, chủ động tìm kiếm loại vật liệu phù hợp và cải tiến kỹ thuật, đầu tư trang bị thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Việc chăm chút, nâng cao chế độ hậu mãi cũng được DN chú trọng như miễn phí sửa chữa, thực hiện bảo trì, bảo hành theo cam kết cho khách hàng.
Tương tự, để tồn tại và phát triển lượng khách hàng tăng bình quân từ 20-30%/năm như hiện nay, Liên minh DAKADO đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường, nâng cao chuỗi giá trị cho thương hiệu của mình. Liên minh DAKADO là sự liên kết giữa Công ty TNHH Thu Nhơn với 3 tổ hợp tác gồm có 300 hộ nông dân chuyên sản xuất vùng nguyên liệu bơ, mắc ca, hạt dinh dưỡng... ở Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Krông Ana để trồng 114 ha bơ đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số vườn đạt chuẩn Global GAP với sản lượng hằng năm đạt khoảng trên 1.000 tấn. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất nên sản phẩm mang thương hiệu DAKADO đã có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước như Coop Mart, Fivimart… và vươn ra hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản) tại Việt Nam, xuất khẩu đi một số thị trường như Campuchia, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp...
Với những nỗ lực trong chặng đường chinh phục người tiêu dùng, tin rằng, sản phẩm địa phương sẽ có thêm nhiều người ưa thích, tin dùng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn ngày càng phát triển.
Duy Khôi
Ý kiến bạn đọc