Multimedia Đọc Báo in

Vai trò "đầu tàu" của cấp ủy trong xây dựng nông thôn mới

15:23, 31/01/2017

Sau 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thực sự thay da đổi thịt. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 9 xã đạt 19 tiêu chí NTM; 28 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 22 xã đạt từ 13-14 tiêu chí.

Toàn tỉnh đạt 1.699/2.888 tiêu chí, tăng 113 tiêu chí so với năm 2015; bình quân đạt 11,18 tiêu chí/xã. Có được thành quả đáng mừng đó phải kể đến vai trò “đầu tàu”, sự sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên ở cơ sở cùng với sự đồng thuận của nhân dân.

Chuyển biến tích cực

Chúng tôi đến xã Ea Kpam vào một ngày cuối năm, đúng vào dịp xã đang khẩn trương xây dựng công trình Nhà văn hóa xã để kịp hoàn thành trước năm mới. Có mặt tại công trình để đốc thúc và động viên mọi người, ông Trần Anh Thái, Bí thư Đảng ủy xã tỏ rõ sự vui mừng vì diện mạo nông thôn trên địa bàn đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Ông Thái cho biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền và người dân đã xác định tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là bước đệm quan trọng thúc đẩy các tiêu chí khác hoàn thành. Với phương châm đó, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nhằm mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc.

Nhờ các giải pháp quyết liệt đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi hợp lý, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. “Cũng chính nhờ đó, người dân ngày càng tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là trong chương trình xây dựng NTM” - ông Thái phấn khởi nói.

Từ 9 tiêu chí ban đầu, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến cuối năm 2015, Ea Kpam đã hoàn thành 19 tiêu chí. Đây là xã thứ 2 của huyện Cư M’gar (sau xã Quảng Tiến) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Càng đáng mừng hơn nữa khi biết hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp có tới 90% được cứng hóa; số hộ nghèo chỉ còn 61 hộ (thấp nhất toàn huyện); thu nhập bình quân đầu người gần 30 triệu đồng/năm…

Đi trên con đường nhựa phẳng lỳ dẫn đến trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) nhìn thấy những căn nhà mái thái khang trang, những vườn tiêu, cà phê xanh mướt mắt, cảnh người dân mua bán tấp nập… mới thấy rõ chương trình xây dựng NTM đã làm diện mạo của địa phương thay đổi rõ rệt. 

Được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM nên Ea Kao được quan tâm, ưu tiên đầu tư để hoàn thành nhiều tiêu chí. Dẫu vậy, nhưng Đảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã không “trông chờ, ỷ lại” mà càng thể hiện rõ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. Chủ tịch UBND xã Ea Kao Phan Văn Trường nhớ lại: Tháng 8-2012, xã Ea Kao mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí về NTM, trong đó có 2 tiêu chí còn “non”. Để đạt được 10 tiêu chí còn lại, Đảng ủy xã đã phân công cho từng thành viên trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã phụ trách từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí khó để tham mưu, tìm hướng tháo gỡ. Mỗi nội dung tiêu chí đều được đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua hội nghị nhân dân ở từng thôn, buôn. Nhờ vậy, mỗi người dân đều nắm được chủ trương, đồng thuận và tích cực tham gia. Tháng 5-2015, xã Ea Kao đã cán đích NTM. 

 Những kinh nghiệm thực tiễn

Không phải là xã điểm của huyện hay của tỉnh, nhưng Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã vươn lên trở thành một điển hình và là xã duy nhất của tỉnh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM. 

Khi bắt tay xây dựng NTM vào năm 2011, Hòa Đông gặp nhiều khó khăn khi mới đạt được 7/19 tiêu chí; hệ thống giáo dục, giao thông nông thôn, thu nhập bình quân đầu người… còn rất hạn chế, kém xa chuẩn đặt ra. Bên cạnh đó, xã còn là một “điểm nóng” về an ninh trật tự của tỉnh thời điểm đó. Thế nhưng chỉ sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, tháng 6-2015, Hòa Đông đã đạt đủ 19 tiêu chí. Theo thống kê, nhân dân đã đóng góp được 204,4 tỷ đồng, chiếm hơn 74% tổng kinh phí xây dựng NTM trên địa bàn; hệ thống giao thông được đầu tư cứng hóa hơn 90%; số hộ nghèo từ 12,8% (năm 2011) giảm xuống còn 2,5%; thu nhập bình quân đầu người từ 16,5 triệu đồng/năm (năm 2011) đến nay tăng lên 37 triệu đồng/năm; 100% nhà ở đạt tiêu chuẩn; an ninh trật tự được bảo đảm…

Người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột làm thêm nghề dệt thổ cẩm.
Người dân buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột làm thêm nghề dệt thổ cẩm.

Để làm nên “kỳ tích” trên, ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hòa Đông chia sẻ: “Tất cả do lãnh đạo địa phương được dân tin tưởng và chính quyền biết tin ở dân. Khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, Hòa Đông xác định mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải gương mẫu. Tự bản thân mỗi cán bộ phải “miệng nói, tay làm, chân bước”, phải là những người nêu gương đi đầu trong hiến đất, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang lại tường rào, nhà cửa… để người dân thấy và tự nguyện làm theo”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bốn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu chính là yếu tố then chốt trong việc chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền và nhân dân xây dựng thành công NTM ở mỗi địa phương. Thực tế tại xã Hòa Thắng, công tác tuyên truyền vận động nhân dân luôn đi đôi với việc nêu gương của từng cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, sự đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ đã tạo được lòng tin, sự hưởng ứng cao của người dân. 

Ông Bốn cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm khi triển khai xây dựng NTM: xã chọn 3 thôn và 1 buôn làm điểm hoàn thành các tiêu chí, trong đó, thôn 11 đột phá toàn diện các tiêu chí, thôn 5 về hạ tầng giao thông, thôn 4 về đường bê tông, buôn Kom Leo về hệ thống chính trị. Qua quá trình thực hiện, các thôn, buôn học tập kinh nghiệm, cách thức triển khai và thi đua để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Trong năm 2016, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 80 tỷ đồng, hiến 95.000 m2 đất và trên 27.000 ngày công lao động để sửa chữa, làm mới, nâng cấp được 560 km đường giao thông nông thôn, hơn 330 km kênh mương, làm mới 46 nhà văn hóa, 4 bãi rác tập trung, 40 km đường điện trung, hạ áp…  

 

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.