Multimedia Đọc Báo in

Phá bỏ cà phê kém năng suất chuyển sang nuôi bò quy mô trang trại

09:31, 07/02/2017

Trước đây, gia đình ông Phạm Văn Viên (thôn 2, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có gần 1 ha cà phê. Thời gian qua, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, năng suất cà phê giảm sút, đến đầu năm 2016, ông Viên quyết định phá bỏ cà phê chuyển sang nuôi bò theo hình thức trang trại.

Ông đầu tư xây dựng khu chuồng trại với diện tích 800 m2. Nền chuồng được đổ bê tông cao ráo, mái lợp tôn; hệ thống cột, thanh chắn làm bằng thép tạo không gian sinh sống thoáng sạch, rộng rãi cho bò. Ông cũng cải tạo 6,5 sào đất trồng giống cỏ lai VA06 để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò. Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị, ông mua 22 con bò cái, chủ yếu là bò thuần của địa phương để gây giống. Ông cho biết: “Chọn giống bò thuần có thuận lợi là bò đã quen với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tuy vậy, việc chăm sóc ban đầu cũng mất khá nhiều công sức do bò chưa quen với môi trường nuôi nhốt và chế độ ăn uống mới dẫn đến giảm cân nặng. Tôi phải tự tìm hiểu các biện pháp khắc phục để bò thích nghi với chuồng trại”.

Trang trại bò của gia đình ông  Phạm Văn Viên.
Trang trại bò của gia đình ông Phạm Văn Viên.

Thức ăn cho bò được ông tính toán cân đối giữa thức ăn tinh và thô. Ban ngày, ông cắt cỏ VA06 trong vườn, cho vào máy cắt nhỏ để bò tiêu thụ hết cả gốc và ngọn. Ban đêm, ông cho bò ăn thêm rơm khô hoặc rơm đã được ủ lên men. Ngoài ra, ông cho bò ăn thêm các loại tinh bột như cám, ngô, sắn… Việc phòng ngừa dịch bệnh cho bò luôn được ông chú trọng. Ông bấm số từng con để theo dõi và thực hiện chế độ tiêm chủng định kỳ các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tẩy giun sán… Khi bò bước vào chu kỳ sinh sản, ông nhờ cán bộ kỹ thuật phối giống, lai tạo với các giống bò ngoại để tăng năng suất, phẩm chất cho những lứa bò tiếp theo.

Nhờ được chăm sóc tốt và phòng bệnh chu đáo, đến nay, đàn bò đang sinh trưởng khỏe mạnh và đã sinh sản thêm được 6 con bê. Ông Viên dự tính, đến giữa năm 2017 có thể bán bò thịt và bò giống cho thị trường. Hiện tại, nguồn lợi chính của gia đình đến từ lượng phân bò thải ra hằng ngày. Bình quân mỗi tháng, ông thu được 5 triệu đồng từ việc bán phân bò cho các đại lý, vườn ươm cây giống, vườn cà phê ở địa phương.

Ông Viên chia sẻ: “Nuôi bò theo hình thức này đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, chỉ riêng chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng trại, con giống, thức ăn đã gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều thuận lợi nhất của việc nuôi bò quy mô tập trung là tiết kiệm lao động. Khi trang trại bắt đầu đi vào ổn định, một mình tôi có thể đảm nhiệm hầu hết công việc của trang trại như cắt cỏ, cho bò ăn, dọn vệ sinh... Công việc hiện tại nhàn hơn nhiều so với việc chăm sóc cà phê trước đây trên cùng diện tích. Hy vọng sắp tới, việc bán bò thịt và bò giống sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho gia đình”.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.