Multimedia Đọc Báo in

Tạo động lực phát triển các vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:13, 06/02/2017

Với hệ thống chính sách dân tộc được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ đã  từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân và thay đổi căn bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư đồng bộ

Chỉ cho chúng tôi xem con đường nội buôn đã được thảm nhựa, ông Y Rik Byă, Trưởng buôn Ea Păl (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) hồ hởi: “Từ ngày được Nhà nước đầu tư làm con đường này, bà con phấn khởi lắm. Trẻ con đi học không còn trơn trượt, lầy lội, người dân đi lại và thu hoạch nông sản thuận lợi hơn nhiều”.

Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Ea Kar (bìa phải) thăm hỏi đời sống người dân buôn Ea Păl (xã Cư Ni) sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Ea Kar (bìa phải) thăm hỏi đời sống người dân buôn Ea Păl (xã Cư Ni) sau khi được Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông.

Buôn Ea Păl có 180 hộ, trong đó có 91 hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới. Để giúp đồng bào DTTS cải thiện đời sống, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, 160 hộ trong buôn còn được hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, 48 hộ được cấp đất sản xuất, 16 hộ được hỗ trợ bò giống. Đồng thời, các hộ nghèo, cận nghèo của buôn còn được cấp giống cây trồng, hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất… Nhờ vậy, đến cuối năm 2016, buôn Ea Păl đã thoát khỏi diện đầu tư theo Chương trình 135.

Không chỉ có buôn Ea Păl mà 411 thôn, buôn và 45 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đều được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư theo các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương. Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện nhằm tạo ra những thay đổi rõ rệt về mọi mặt tại các vùng đồng bào DTTS.

 
“Các chính sách, chương trình, đề án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đã khá toàn diện nhưng các bộ, ngành cần rà soát để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh rất mong nhận được sự quan tâm đầu tư của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho vùng đồng bào DTTS nhằm chia sẻ bớt khó khăn của tỉnh và tạo động lực để bà con vươn lên thoát nghèo”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh

Trong 5 năm (2011-2015), từ nguồn vốn của Chương trình 135, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 712 công trình hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 18.729 hộ nghèo. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách cho vay vốn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã có 2.153 hộ được vay với tổng dư nợ 14 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung đã đầu tư xây dựng 37 công trình cấp nước, phục vụ nước sinh hoạt cho 8.500 hộ. Để giúp hộ nghèo có nơi ở ổn định, tỉnh đã triển khai Quyết định 67 và 167 của Chính phủ, hỗ trợ 367 hộ nghèo xây dựng nhà ở với kinh phí 11,9 tỷ đồng. Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng DTTS khó khăn còn được đầu tư xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, cấp đất ở, đất sản xuất, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí…

Phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, các chính sách dân tộc hiện nay được triển khai thực hiện khá đầy đủ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực và phủ kín đến tận hộ DTTS. Qua đó kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ôtô đến trung tâm xã, 90% xã và 70% hộ được dùng điện, 100% xã có trạm y tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS giữ vững ổn định.

Các nghệ nhân người dân tộc Êđê, M’nông đang chỉnh âm cho chiêng tre tại lớp truyền dạy chỉnh chiêng do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức.
Các nghệ nhân người dân tộc Êđê, M’nông đang chỉnh âm cho chiêng tre tại lớp truyền dạy chỉnh chiêng do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05 của Chính phủ mới đây, lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đó là vùng đồng bào DTTS chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh…

Ngoài nguyên nhân một số chính sách còn chồng chéo, đầu tư dàn trải, nguồn vốn không đáp ứng nhu cầu thì chính việc một bộ phận đồng bào DTTS còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự chủ động và quyết tâm vươn lên thoát nghèo cũng là lực cản trong thực hiện chính sách dân tộc.

Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ngành trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, khơi dậy và phát huy sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của người dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.