Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị thế, mở ra cơ hội hợp tác cho Cà phê Buôn Ma Thuột

08:33, 14/03/2017

Trong số các chương trình của Lễ hội, Hội chợ -Triển lãm chuyên ngành cà phê bao giờ cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, đông đảo du khách lẫn người dân. Hội chợ - Triển lãm đã mang đến cái nhìn khá đầy đủ, nhiều thông tin hơn về sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột.

Khẳng định vị thế Cà phê Buôn Ma Thuột

Hội chợ - Triển lãm lần này thu hút 234 đơn vị, doanh nghiệp (DN) với 735 gian hàng tham gia (trong đó có 12 DN nước ngoài với 58 gian hàng) đã mang đến nhiều thông tin, cái nhìn khá đầy đủ, đáp ứng kỳ vọng của người dân và du khách đến tham quan dịp này. Đây thực sự là dịp để nhà khoa học, doanh nghiệp, người trồng cà phê gặp gỡ, trao đổi, chuyển giao khoa học trong sản xuất, chế biến.

Đúng như chủ đề của Hội chợ - Triển lãm “Cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng”, Hội chợ  - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần này là dịp để DN khẳng định chất lượng và quyết lấy lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột mà bấy lâu nay họ đang cố công gây dựng, nhất là thời gian qua, thông tin cà phê bẩn ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của DN Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng.

Khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về cà phê nguyên chất tại gian hàng của Công ty Cà phê Kinh Bắc (Buôn Ma Thuột).
Khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về cà phê nguyên chất tại gian hàng của Công ty Cà phê Kinh Bắc (Buôn Ma Thuột).

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn An Thái cho hay, nhận thức của người tiêu dùng (NTD) hiện đã khác, họ quan tâm nhiều hơn sản phẩm cà phê sạch vì sức khỏe của chính mình. Đây cũng là “mảnh đất” mở ra, dành cho những DN làm ăn chân chính, biết đặt lợi ích của NTD lên trên hết. An Thái đang nỗ lực góp phần “làm sạch” thị trường cà phê thông qua việc mang đến những sản phẩm cà phê sạch, bảo đảm nguyên chất. Ngoài việc trưng bày tại gian hàng các dòng sản phẩm chủ lực như cà phê bột, hạt rang, cà phê sữa “3 trong 1” và cà phê phin giấy đáp ứng tiêu chí trên, đơn vị đẩy mạnh việc thông tin, phân tích để du khách và NTD có cái nhìn đầy đủ, phân biệt đâu  là cà phê sạch và cà phê pha lẫn tạp chất. Dĩ nhiên, ly cà phê sạch trên chính mảnh đất này làm ra sẽ không đặc sánh, nhiều bọt, thơm lừng mà là hơi loãng, mùi thơm dịu. Lần đầu thưởng thức, thực khách sẽ hơi khó chịu vì cái “loãng” - không giống với xưa nay nhưng khi thực khách uống nhiều lần thì đâm ra “ghiền”. Tương tự, Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cà phê 15 (huyện Cư M’gar) cho hay, 1.000 ha cà phê của đơn vị trồng có cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Tham gia hội chợ, ngoài việc giới thiệu về quy trình trồng, sản xuất ra “hạt  ngọc” bảo đảm theo tiêu chuẩn cà phê sạch thì đơn vị còn tham gia chế biến cà phê bột. Sản phẩm mới - cà phê S1 nguyên chất - hoàn toàn là cà phê mộc, được công ty giới thiệu tại hội chợ được kỳ vọng sẽ góp phần khẳng định chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột.

Cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối giao thương

Một trong những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, làm nên thành công từ mỗi lần tổ chức Hội chợ - Triển lãm có lẽ là dịp để DN gặp gỡ, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, đầu tư cho sản phẩm cà phê độc đáo này của tỉnh Đắk Lắk – Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thật vậy, ở lĩnh vực rang xay, chế biến, nhiều DN, cơ sở sản xuất đã tìm thấy cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại cũng như tiếp cận trực tiếp với đối tác từ đó, định hướng cho mình nhiều chiến lược kinh doanh mới. Tại khu vực trưng bày và dùng thử sản phẩm cà phê bột của Công ty An Thái, Công ty TNHH Cà phê Kinh Châu (Buôn Ma Thuột), Cơ sở sản xuất Cà phê bột Thơ Dũng (huyện Cư M’gar)… đón nhiều lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Qua đó, đã có nhiều ghi nhớ hợp tác cung cấp sản phẩm được hình thành từ các DN này với đối tác trong và ngoài nước. Anh Hồ Hải Vận, Giám đốc Công ty Kinh Châu cho hay, lần đầu tiên tham gia Hội chợ - Triển lãm nhưng chỉ mới 3 ngày hoạt động này diễn ra, Công ty đã có gần 10 đối tác, trong đó có nhiều DN nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc… ghi nhớ thông tin hợp tác, cung cấp sản phẩm cà phê hạt rang và cà phê bột. Đây là “bước đệm” rất tốt  để đơn vị  càng chú trọng nâng cao, cải tiến chất lượng để đẩy mạnh đầu ra cho sản phẩm.

Khách tham quan, tìm hiểu quy trình rang, xay cà phê tại gian hàng Công ty Cà phê An Thái.
Khách tham quan, tìm hiểu quy trình rang, xay cà phê tại gian hàng Công ty Cà phê An Thái.

Đánh giá cao chất lượng sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội chợ - Triển lãm lần này là cơ hội tốt để DN nước ngoài khảo sát cũng như tìm kiếm đối tác cung cấp đối với sản phẩm thế mạnh này của địa phương. Doanh nhân Chun Lai Lu (TP. Đài Bắc, Đài Loan) cho hay, sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột đáp ứng được yêu cầu từ phía đơn vị ông đưa ra, cho nên, chủ đích của ông đến với Hội chợ - Triển lãm lần này để trực tiếp gặp gỡ, lựa chọn nhà cung cấp phù hợp. Ông quan tâm nhiều đến sản phẩm cà phê rang mộc của Buôn Ma Thuột nên trước mắt, sẽ chọn mua vài mẫu thử, nếu mọi việc suôn sẻ, bước đầu ông sẽ nhập với số lượng 10 tấn để tiêu thụ. 

Đây được coi là tín hiệu đáng mừng, mở ra mối quan hệ giao thương, mang lại nhiều hy vọng cho người sản xuất cà phê của tỉnh. Nhất là trong lúc thị trường giá cả cà phê có nhiều biến động thì việc DN phân phối và nhà sản xuất chủ động gặp gỡ “bắt tay” nhau sẽ góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị Cà phê Buôn Ma Thuột. Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, vùng Tây Nguyên chiếm đến 90% diện tích và sản lượng cà phê của cả nước. Cùng với các hoạt động khác của Lễ hội Cà phê, Hội chợ - Triển lãm được tổ chức là cơ hội góp phần để ngành cà phê Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.