Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cà phê Việt

08:34, 14/03/2017

Đến với Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê năm 2017, cả người trồng cà phê, du khách lẫn doanh nghiệp đều tìm thấy nhiều điều thiết thực, bổ ích.

Đó không chỉ đơn thuần là việc giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu mà là cuộc “gặp” để “gỡ” nhiều cái “khó” với mục đích cuối cùng là gia tăng thêm giá trị cho cà phê Việt…

Ông Trương Quốc Huy, Trưởng Vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền:

Chú trọng đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân

Ông Trương Quốc Huy, Trưởng Vùng Đông Nam Bộ -  Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền.
Ông Trương Quốc Huy, Trưởng Vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền.

Tây Nguyên có diện tích trồng cà phê tập trung nhiều nhất cả nước, trong đó Đắk Lắk là một trong những địa bàn mà từ nhiều năm qua, Bình Điền chọn làm nơi phát triển dòng sản phẩm phân bón chủ lực cho cây cà phê. Nhiều lần tham gia Hội chợ - Triển lãm, đơn vị nhận thấy, người trồng cà phê ở đây dành nhiều quan tâm đến cách tưới nước, bón phân như thế nào để tăng dinh dưỡng cho cây trồng. Điều đáng nói là thời điểm này, họ chưa nắm bắt được việc cung cấp dinh dưỡng cho vườn cây, phải chăm sóc như thế nào sau một mùa bội thu vừa mới qua, khi cây đã rơi vào tình trạng kiệt sức.

Tại lễ hội lần này, Bình Điền không “coi nặng” việc bán hàng mà chú trọng tư vấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Các nhà khoa học, chuyên gia ở lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người nông dân tại gian hàng của công ty để cũng “gỡ  khó” cho bà con, tư vấn cách sử dụng phân bón hiệu quả giúp cây phát triển như ý muốn, đạt năng suất, chất lượng cao và  phát triển bền vững.

Ông Liang Xiung (doanh nhân đến từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc):

Cần có chiến lược đẩy mạnh quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ra thế giới

Ông Liang Xiung (doanh nhân tỉnh Quảng Tây,  Trung Quốc).
Ông Liang Xiung (doanh nhân tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Đắk Lắk là một trong những địa phương sản xuất cà phê hàng đầu ở Việt Nam. Năng suất và giá trị của sản phẩm này đã được khẳng định từ nhiều năm nay. Hơn 10 năm hợp tác, nhập khẩu cà phê của Công ty cà phê An Thái (Đắk Lắk), tôi đánh giá cao về chất lượng, giá trị của sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột và uy tín doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh.

Kinh doanh trong ngành cà phê nên tôi càng quan tâm nhiều đến mỗi lần tổ chức Lễ hội Cà phê, bởi đây là dịp để tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngành Cà phê của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đây đã là lần thứ 3 tôi tham gia Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, lần này tôi đã có thêm nhiều thông tin hơn về thị trường, đối tác cung cấp, các chủng loại cà phê… để hiểu rõ hơn về mặt hàng mình đang nhập, từ  đó hoạch định chiến lược kinh doanh mới.

Tuy nhiên, đối với sản phẩm chủ lực này, tôi nghĩ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân Đắk Lắk cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột, chẳng hạn như tham gia nhiều hơn các Hội chợ về Cà phê được tổ chức trên thế giới. Trên thực tế, sản phẩm khá chất lượng này được nhà nhập khẩu, kinh doanh trong ngành như chúng tôi đánh giá cao và hiểu rất rõ nhưng người tiêu dùng Trung Quốc thì hầu như hoàn toàn chưa biết gì về thương hiệu cà phê của Đắk Lắk. Bên cạnh đó, Cà phê Buôn Ma Thuột cũng cần nhiều hương vị khác nhau hơn để khách có thêm lựa chọn phù hợp.

Ông Phan Đình Hải (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk):

Lễ hội là dịp để tiếp thu kiến thức canh tác mới

Ông Phan Đình Hải (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk).
Ông Phan Đình Hải (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk).

Lễ hội có lẽ là dịp mà những người nông dân trồng cà phê như tôi quan tâm và chờ đợi nhất, bởi trong quá trình sản xuất nảy sinh nhiều vấn đề mà chúng tôi chưa biết cách làm thế nào để khắc phục giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển hiệu quả.

Cũng như nhiều nông dân khác, hiện phần lớn diện tích cà phê của gia đình đều già cỗi và cho năng suất thấp. Đối với 4 ha cà phê được trồng trước năm 1990, việc sản xuất mỗi năm gần như thu không đủ chi. Hội chợ - Triển lãm diễn ra, tôi tìm đến tận nơi để tiếp cận kiến thức về khoa học kỹ thuật, đặc biệt gặp gỡ các cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tư vấn cách chọn giống, chăm sóc vườn cây cho năng suất cao, chống chịu bệnh tật tốt khiến tôi cảm thấy yên tâm hơn.

Đây là nơi mà tôi tin tưởng để chọn mua giống nhưng trên thực tế lại khá bất lợi cho việc đi lại. Do đó, tôi mong muốn tỉnh cần xây dựng các điểm bán hoặc sản xuất cà phê giống uy tín tại các huyện để thuận tiện cho nông dân hơn.

Chị Nguyễn Thị Thơ, chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Thơ Dũng (huyện Cư M’gar):

Muốn giới thiệu rộng rãi với du khách ly cà phê sạch, nguyên chất đúng hương vị Cà phê Buôn Ma Thuột

Chị Nguyễn Thị Thơ, chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Thơ Dũng (huyện Cư M’gar).
Chị Nguyễn Thị Thơ, chủ cơ sở sản xuất cà phê bột Thơ Dũng (huyện Cư M’gar).

Mang đến sản phẩm cà phê sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng là điều mà cơ  sở chú trọng đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nói về sản phẩm cà phê bột, hiện nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý đó phải là ly cà phê đặc sánh, có vị béo… Tham gia gian hàng tại hội chợ lần này, tôi muốn giới thiệu với du khách được biết trên thực tế, hoàn toàn không phải như vậy. Ly cà phê Ban Mê chính hiệu, nguyên chất phải có vị đắng nhưng không làm người uống cảm thấy đắng gắt; hơi loãng, mùi tự nhiên và thuần khiết của duy nhất hạt cà phê mà thôi.

Cà phê sạch, nguyên chất thì quá trình rang xay, chế biến phải bảo đảm hạt mộc 100%, không tẩm ướp bất kỳ thứ gia vị nào khác. Nguyên liệu đầu vào phải được chọn từ vùng trồng cà phê có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, hạt chín đều, tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong ngưỡng cho phép…

Trâm Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.