Multimedia Đọc Báo in

Động lực mới từ thay đổi phương thức xúc tiến, kêu gọi đầu tư

08:49, 28/04/2017

Trong bối cảnh đầu tư công bị cắt giảm, việc đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư được xem là giải pháp quan trọng, tạo bước đột phá trong thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động xúc tiến

Để đáp ứng nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 là 150 nghìn tỷ đồng (theo Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 7-1-2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020), tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đổi mới hoạt động xúc tiến được xem là đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thu hút đầu tư.

Trước đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch – Đầu tư) đã tổ chức được một số hoạt động xúc tiến đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao, công tác phối hợp giữa sở, ngành, địa phương còn chậm, thiếu hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu “một đầu mối” giải quyết các nhu cầu của nhà đầu tư. Vì vậy, việc hình thành cơ quan tổ chức chuyên trách về công tác đầu tư là nhiệm vụ chính trị, cấp thiết, được kỳ vọng tạo sự đột phá trong thời gian tới nhằm tạo lập cơ chế “một cửa” trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn cho nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và hỗ trợ DN trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Khẳng định cho quyết tâm đổi mới công tác này, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, khi đi vào hoạt động cơ quan này phải khắc phục được những hạn chế trong công tác xúc tiến đầu tư, giảm bớt được các trình tự thủ tục hành chính rườm rà, nhiều đầu mối như trước đây. Hiện nay, UBND tỉnh đã hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 Các  doanh nghiệp, nhà đầu tư  của Nhật Bản  tìm hiểu  những  sản phẩm  đặc thù  của Đắk Lắk.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Nhật Bản tìm hiểu những sản phẩm đặc thù của Đắk Lắk.

Chính quyền kiến tạo và đồng hành

Số liệu từ Sở Kế hoạch – Đầu tư cho thấy năm 2016, tỷ lệ DN dân doanh đăng ký mới tăng so với năm 2015 cả về số lượng và tổng số vốn đăng ký, với 700 DN (tăng 9,6%), tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng (tăng 36,04%); thu hút được 98 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.896 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp đón và hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 150 lượt nhà đầu tư. Chính quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh “Lấy nhà đầu tư làm trung tâm” đã tạo bước chuyển biến quan trọng cả về tư duy, nhận thức và hành động của chính quyền các cấp. Công tác hỗ trợ cho DN luôn được tỉnh quan tâm, mỗi tuần dành thời gian 1 ngày (thứ Năm) để gặp gỡ lắng nghe DN, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN (nếu có). Đây cũng là bước đi đầu tiên của quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Cùng với việc tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh đang từng bước cụ thể hóa phương châm “luôn song hành với DN và nhà đầu tư” bằng việc tăng cường hoạt động đối thoại không chỉ giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với DN mà còn mở rộng ở các lĩnh vực, địa phương, nhất là ra các lĩnh vực mà DN gặp nhiều vướng mắc như thuế, tài nguyên – môi trường... Chính vì vậy, chỉ số PCI của tỉnh trong 2 năm qua đã có sự cải thiện đáng kể, vươn lên trong nhóm tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế khá. Đây cũng chính là nỗ lực của địa phương để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 10.000-12.000 DN hoạt động, đóng góp 30-35% tổng sản phẩm xã hội, chiếm 80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 50-55% tổng thu ngân sách. 

Lê Hương- Thuận Hóa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.