Multimedia Đọc Báo in

Người Thái Bình trên vựa lúa Buôn Triết

08:51, 28/04/2017

Một ngày cuối tháng Tư, chúng tôi về xã Buôn Triết (huyện Lắk). Con đường vào trung tâm xã đi qua những làng mạc, cánh đồng lúa mênh mông khiến chúng tôi ngỡ mình đang lạc vào một vùng nông thôn Bắc Bộ.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống của những người dân Thái Bình trên vùng đất này, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết Y Bhim Eung cho hay, địa phương hiện có 1.770 hộ, với 6.750 nhân khẩu, trong đó người gốc Thái Bình chiếm khoảng 60% dân số. Họ cần cù và rất giỏi làm nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa nước. Muốn biết người Thái Bình đến đây, chinh phục vùng đất này như thế nào nên gặp cụ Hoạch - là một trong những người đầu tiên vào khai phá vùng đất này.

Cụ Phạm Minh Hoạch (72 tuổi) ở thôn Mê Linh 1 nhớ như in năm 1977, theo chủ trương di dân đi làm kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, gia đình ông cùng với hơn 70 hộ dân khác thuộc xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vào đây khai hoang lập nghiệp. Khi ấy, mỗi hộ được cấp 1 căn nhà và 6 tháng lương thực. Hồi mới vào, cánh đồng xã Buôn Triết bây giờ là một đầm lầy đầy lau sậy, xung quanh là những cánh rừng rậm rạp. Để biến đầm lầy thành đồng ruộng màu mỡ như hôm nay, Nhà nước cùng người dân đã đổ rất nhiều tiền của và công sức xuống đây. Ông Hoạch nhớ lại: “Khi ấy chưa có máy móc gì, khai hoang chủ yếu bằng sức người. Mỗi ngày lăn lộn giữa đầm lầy phát lau sậy, một người đàn ông khỏe mạnh cũng chỉ khai hoang được chừng hai chục mét vuông đất. Việc khai hoang còn đối diện với nguy cơ bị các loài thú hoang tấn công, nguy hiểm nhất là cá sấu”.

Người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Những năm đầu, trồng lúa trên vùng đất mới khai hoang này hầu như không có thu hoạch do bị thú rừng phá hoại, mỗi sào lúa năng suất lắm cũng chỉ thu được dăm bao. Ông Hoạch cũng không nhớ đã bao nhiêu lần phải mang quần áo trong nhà đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để đổi lấy khoai sắn về ăn. Đói ăn còn chịu đựng được, nhưng cái sợ nhất của những người đi kinh tế mới ở vùng đất này là sốt rét. Sốt rét đã khiến nhiều người phải bỏ đi nơi khác hoặc quay về quê cũ. Ngoài ra, muỗi cũng là kẻ thù đáng sợ mỗi khi chiều xuống. Muỗi nhiều như trấu vãi, ăn cơm chiều là phải ngồi trong mùng rồi. Cái sướng nhất đối với người dân ở đây lúc ấy là tôm cá nhiều vô kể. Muốn ăn chỉ cần ra ngoài đồng giăng vài tấm lưới hay tát một vũng nước nhỏ đã có cá, tôm ăn thoải mái.

Rồi thời kỳ khó khăn cũng trôi qua, đất không phụ công người nên đã đền đáp xứng đáng bằng những vụ lúa bội thu. Sản xuất lúa ở đây giờ đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, rải giống, phun thuốc cho đến thu hoạch nên chi phí đầu tư thấp, năng suất cao.

Tiếp nối truyền thống của cha ông đi mở đất, những thế hệ thứ hai của quê hương Thái Bình trên vùng đất này đang tiếp tục tìm hướng đi mới, nâng tầm giá trị cây lúa để đời sống của người trồng lúa được nâng lên. Anh Nguyễn Ngọc Côn (SN 1974), ở thôn Buôn Tung một là một điển hình. Năm 1994, anh từ Thái Bình vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Với bản tính siêng năng, chịu khó giờ đây anh đã có trong tay hơn 10 ha đất trồng lúa. Mỗi năm trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Năm 2012, anh Côn đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Hải với 97 xã viên. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực cung cấp vật tư nông nghiệp, bơm tưới nước cho lúa, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, điều mà anh mong muốn và đang từng bước thực hiện đó là tập trung ruộng của các xã viên lại để tiến hành sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Côn khoe: Năm nay hợp tác xã của mình đã hợp đồng với một công ty để sản xuất 40 ha lúa giống. Lúa giống có năng suất tương đương với lúa thường, nhưng giá thu mua lúa giống cao hơn 1.000 đồng/kg”.      

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.