Tín hiệu vui cho đầu ra sản phẩm thanh long Buôn Ma Thuột
Hiện nay, sản phẩm thanh long của Buôn Ma Thuột đã được tiêu thụ không những trong tỉnh, trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho đầu ra của thanh long Buôn Ma Thuột.
Nông dân xã Cư Êbur đang thu hoạch thanh long. |
Trong những năm qua, việc chuyển đổi phát triển sản xuất thanh long trên những diện tích cà phê không đáp ứng hiệu quả kinh tế đã góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với sản xuất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân tại các thôn 2, 3, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Đặc biệt, sau thành công của mô hình “Sử dụng bóng đèn chuyên dụng compact đỏ 20 Watt cho thanh long, thay thế bóng đèn sợi đốt (60 Watt)” vào đầu năm 2017, nhiều hộ sản xuất thanh long đã nhân rộng mô hình vừa tăng được diện tích thanh long kích thích điện vừa tăng năng suất thanh long. Điều đáng mừng là khi giảm được điện năng (giảm hơn 30 triệu đồng tiền đầu tư điện/ha), đồng nghĩa với giá thành sản phẩm giảm, dễ dàng cạnh tranh hơn trên thị trường, hiệu quả kinh tế sẽ tăng theo. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện để kích thích ra hoa trái vụ cho thanh long diễn ra vào mùa khô nên nhu cầu của thị trường về thanh long là rất lớn; một yếu tố nữa là thời gian sử dụng điện để kích thích ra hoa trái vụ cho thanh long đã được người nông dân tính toán rất chặt chẽ, để thời kỳ chín của thanh long rơi vào những ngày rằm và mồng một hằng tháng hoặc các ngày lễ, Tết nên sản lượng thanh long chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, tránh được việc ứ đọng sản phẩm và ép giá, hạn chế xác suất rủi ro.
Theo chị Quyên, một tiểu thương thu mua thanh long tại Buôn Ma Thuột cho biết, trên địa bàn thành phố có đến 5 cơ sở lớn mua thu gom thanh long thường xuyên. Mỗi ngày, mỗi cơ sở thu mua từ vài tấn đến vài chục tấn thanh long (tùy mùa vụ). Vào vụ chính (từ tháng 6 đến tháng 10) các tiểu thương, có ngày thu mua đến 25 tấn quả tươi để xuất đi các tỉnh hoặc xuất trực tiếp sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một số tiểu thương nhỏ vào tận vườn để mua thanh long và bán lẻ tại các chợ ngoại thành và chợ trung tâm. Vào mùa khô, nguồn quả do được kích thích điện cho ra hoa trái vụ, không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nên chỉ phân phối trong tỉnh và các tỉnh khác. Chất lượng về độ ngọt của thanh long tại Buôn Ma Thuột hiện vẫn cạnh tranh được với sản phẩm thanh long của tỉnh Bình Thuận (nơi được cho là thủ phủ của cây thanh long).
Người dân chở thanh long giao cho tiểu thương. |
Qua khảo sát sơ bộ từ người sản xuất và người tiêu thụ thanh long trên địa bàn Buôn Ma Thuột cho thấy, hiện nay sản phẩm thanh long bước đầu đã có thị trường tiêu thụ tốt. Riêng mùa khô (mùa kích thích ra hoa trái vụ) sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ còn lo ngại nếu diện tích thanh long được chuyển đổi ngày càng tăng trong thời gian tới thì sản lượng vào chính vụ sẽ khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Để giúp nông dân yên tâm sản xuất thanh long (vì lãi thuần sản xuất thanh long hơn 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần sản xuất cà phê), thiết nghĩ các cơ quan chức năng địa phương cần có những giải pháp như: thành lập Hợp tác xã sản xuất thanh long Cư Êbur làm cầu nối giữa các đơn vị liên quan và nông dân, giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ tiên tiến từ quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ đến chế biến sản phẩm trong tương lai; liên kết với các đơn vị nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm thanh long bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng thương hiệu “Thanh long Buôn Ma Thuột”; liên kết với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ thanh long để ký kết hợp đồng xuất khẩu cho nông dân...
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc