Multimedia Đọc Báo in

Nông dân người dân tộc thiểu số vượt khó làm giàu

14:48, 26/06/2017

Nhờ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Gia đình bà H’Chem Êban ở buôn Ea Kmat (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) là một trong những gương nông dân điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh. Những năm trước, do tập quán sản xuất còn lạc hậu, lại chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên 1,4 ha cà phê của gia đình bà H’Chem có năng suất rất thấp, chỉ đạt 1,5-2 tấn/năm. Nguồn thu hạn chế khiến cuộc sống của gia đình bà khó khăn đủ bề.

Năm 2011, bà được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng xen các loại cây ăn quả trong rẫy cà phê do địa phương tổ chức, sau đó mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pắc 10 triệu đồng mua giống chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên diện tích cà phê cũ, bà trồng xen 100 cây bơ Booth 7 và 20 cây sầu riêng Dona. Bà H’Chem cho biết, cây bơ, sầu riêng rất dễ trồng, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương, ít tốn công chăm sóc. So với trồng thuần cà phê thì xen canh đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nhờ tận dụng được các khoảng đất trống, tăng thêm thu trên cùng một diện tích. Ngoài ra còn góp phần tạo bóng mát và giữ độ ẩm cho cây cà phê giúp tiết kiệm được 20 - 30% chi phí tưới nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2014, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định trên 400 triệu đồng/năm nhờ vườn cây. Có vốn, bà H’Chem tiếp tục nuôi thêm 200 con gà thả vườn (thu nhập mỗi năm 50 triệu đồng).

Bà H'Chem Êban ở buôn Ea Kmat (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) với mô hình xen bơ, sầu riêng  trong rẫy cà phê.
Bà H'Chem Êban ở buôn Ea Kmat (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) với mô hình xen bơ, sầu riêng trong rẫy cà phê.

Do diện tích đất canh tác ít, thiếu vốn nên nhiều năm liền gia đình chị H’Bóp Ayun ở buôn Húk A (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) vẫn không thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Năm 2008, chị được Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar tạo điều kiện cho vay 5 triệu đồng từ quỹ hội. Với số tiền này, chị H’Bóp đã mua 2 con dê giống khởi nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cộng với bản tính cần cù, sau 2 năm chị đã thoát nghèo và có thu nhập từ nuôi dê. Hiện nay, gia đình chị H’Bóp đã gây dựng được đàn dê mẹ trên 30 con, thu nhập bình quân mỗi năm 150 triệu đồng, chưa kể chị còn tăng gia nuôi thêm heo, trồng lúa và canh tác 1 ha cà phê hiệu quả.

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị H’Bóp còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và cung ứng dê giống trả chậm cho 17 chị em hội viên trong buôn; cho các hộ nghèo trong buôn vay 60 triệu đồng không tính lãi để có vốn làm ăn, phát triển kinh tế.

Có thể nói, với tinh thần, ý chí vượt lên khó khăn, thoát khỏi đói nghèo, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nhận thức, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ dần lối làm ăn thụ động, tự vươn lên phát triển kinh tế. Có thể kể đến những điển hình khác như: hộ chị H’Bin Niê ở buôn Trinh 4 (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) có 3 ha cà phê xen tiêu mỗi năm thu nhập 500 triệu đồng; ông Y Wit Niê ở buôn Sút (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) với vườn ươm cây giống 5 sào, thu nhập bình quân 200 triệu đồng; anh Y Phốt Bđap ở buôn Ea Mtar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm từ 5 ha bơ, sầu riêng, 3 ha tiêu và 2 ha cà phê…

Bà Tề Thị Thanh, Trưởng Ban Tuyên huấn, Hội Nông dân tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 90.870 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, tăng 24.286 hộ so với năm 2012. Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đã góp phần thúc đẩy việc hình thành các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả, mang lại giá trịnh kinh tế cao. Phong trào còn tạo động lực thúc đẩy các hộ nông dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chia sẻ những kinh nghiệm hay, việc làm tốt giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị vùng nông thôn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc