Phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
Xác định nguồn vốn là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Cư Kuin đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ hội viên thông qua các kênh huy động vốn từ ngân hàng, các dự án hỗ trợ của Trung ương Hội, tỉnh và huyện.
Một trong những nơi làm tốt công tác đứng ra tín chấp, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế là xã Hòa Hiệp. Trước đây, nhiều hội viên trong xã có đời sống rất khó khăn, để giúp hội viên có vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết nhanh chóng các thủ tục và tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn. Hiện, Hội có 7 tổ vay vốn với tổng dư nợ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân đã có nguồn vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Sơn ở xã Hòa Hiệp. Trước đây kinh tế gia đình ông rất khó khăn vì thiếu vốn và chủ yếu trồng trọt theo kinh nghiệm. Từ khi tham gia các lớp tập huấn về đầu tư chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, đặc biệt được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với khoản vay 30 triệu đồng, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Trên 5 sào đất vườn nhà, ông đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn, gà kết hợp với trồng rau an toàn, cho thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Có lãi từ trồng rau và chăn nuôi, gia đình ông tiếp tục đầu tư vào 1 ha cà phê xen tiêu. Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình ông Sơn đạt khoảng 500 triệu/năm sau khi đã trừ chi phí.
Nông dân xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi mô hình trồng lúa sang trồng dưa hấu. |
Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Quân ở thôn Hiệp Tân, xã Hòa Hiệp, trước đây là hộ nghèo. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để đầu tư nuôi bò lai Sind. Nhờ sử dụng đồng vốn đúng mục đích và chăn nuôi khoa học, sau 3 năm anh đã trả đủ cả vốn lẫn lãi khoản vay ban đầu. Hiện đàn bò của gia đình anh đã lên đến hơn 20 con, cho thu lãi mỗi năm trên 200 triệu.
Ông Nguyễn Sỹ Tư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay, để phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện đã thường xuyên phối hợp với trạm khuyến nông và ngành chức năng địa phương mỗi năm tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; chủ động liên kết, phối hợp với các công ty phân bón cung ứng gần 1.000 tấn phân bón trả chậm/năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất cho người dân. Ngoài ra, Hội còn tích cực làm vai trò cầu nối giữa ngân hàng với hội viên, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua việc tín chấp của các cấp Hội Nông dân huyện là trên 72 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp Hội còn huy động đóng góp quỹ tiết kiệm để tạo điều kiện cho các gia đình hội viên khó khăn vay vốn sản xuất, góp phần giảm nghèo. Tính đến nay, Hội đã huy động được khoảng 3 tỷ đồng tiền quỹ, mỗi năm hỗ trợ cho hàng chục hộ hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng trọt chăn nuôi với nhiều mô hình kinh tế có thu nhập từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, huyện Cư Kuin đã xóa được 698 hộ nghèo, giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới trên địa bàn huyện xuống còn 2.263 hộ, chiếm 9,33%. Toàn huyện đã có 5.650 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc