Tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt: Cần sự vào cuộc của các đơn vị cung cấp dịch vụ
Để tiến tới việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn rất hạn chế.
Hiệu quả từ cách làm của ngành Điện lực
Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các dịch vụ thu tiền điện. Phó Giám đốc PC Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn cho biết, để đa dạng hóa hình thức thanh toán tiền điện, ngay từ năm 2007, bên cạnh hình thức thu hộ qua bưu điện, các đơn vị viễn thông, dịch vụ bán lẻ điện năng..., PC Đắk Lắk còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng qua tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua 14 tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Đắk Lắk.
Đặc biệt, PC Đắk Lắk đã phối hợp tốt với hệ thống Ngân hàng NN-PTNT (đơn vị có hệ thống hoạt động đến tận các xã vùng sâu, vùng xa) để khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các hình thức thanh toán qua ngân hàng này. Khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ ngay tại nhà, đến các phòng giao dịch của Điện lực hoặc đến các ngân hàng có mẫu viết sẵn chỉ cần điền thông tin là được.
Khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng tại Điện lực Đắk Lắk. |
Nhờ đó, mặc dù đối tượng khách hàng của PC Đắk Lắk đa dạng về thành phần ngành nghề (tỷ trọng khách hàng nông nghiệp chiếm 1%; khách hàng công nghiệp 7,17%; khách hàng dịch vụ 1,42%; khách hàng tiêu dùng dân cư 89,42% và hoạt động khác 1,22%), phân bổ rộng khắp (110.000 khách hàng tại khu vực thành phố, chiếm 22% tổng số khách hàng; còn lại là 380 nghìn khách hàng (78%) thuộc khu vực các xã vùng sâu vùng xa), điều kiện tiếp xúc với hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng còn nhiều hạn chế, nhưng đến nay đã có 42 nghìn/498 nghìn khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng.
Riêng trong quý I-2017 đã có 147.037 hoá đơn của khách hàng sử dụng điện thanh toán qua ngân hàng (chiếm tỷ lệ 24,2%). Trong đó thu tại quầy ngân hàng 31.521 hóa đơn (tương ứng khoảng 21 tỷ đồng), thanh toán qua ủy nhiệm chi trên 17 nghìn hóa đơn (khoảng 152 tỷ đồng), thanh toán qua ATM, trích nợ tự động, internet banking khoảng 95.400 hóa đơn (65,6 tỷ đồng).
Các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa hưởng ứng
Ông Lê Hoài Nhơn cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt không những mang lại lợi ích cho khách hàng mà Nhà nước, xã hội tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Trong khi đó, theo đánh giá của khách hàng dùng điện, khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, khách hàng chủ động trong việc thanh toán tiền điện, không phụ thuộc vào ngày thu tiền điện tại các điểm thu; có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi...
Có thể thấy, hiệu quả từ cách làm của ngành Điện Đắk Lắk cần được nhân rộng ở các ngành cung cấp dịch vụ công, không những để hiện thực hóa Đề án thanh toán không sử dụng tiền mặt của Chính phủ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là các ngành cung cấp dịch vụ công chưa thật sự “mặn mà” với hình thức thanh toán này. Ông N.V.V (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Buôn Ma Thuột) một khách hàng sử dụng nước sinh hoạt cho hay, qua tiện ích từ việc thanh toán qua ngân hàng của ngành Điện, ông muốn được thanh toán các dịch vụ khác như nước sinh hoạt, truyền hình cáp qua ngân hàng, nhưng các đơn vị cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu này. Chẳng hạn, nhà cung cấp nước cho biết, đơn vị cũng có thực hiện thanh toán qua ngân hàng, nhưng khi nhắc đến vấn đề này, họ yêu cầu khách hàng phải trực tiếp đến các ngân hàng để đăng ký, thay vì chủ động tiếp cận và hướng dẫn khách hàng. Điều này vô hình trung đã gây e ngại cho khách hàng sử dụng dịch vụ nếu muốn được thanh toán qua ngân hàng.
Theo đại diện một ngân hàng trên địa bàn tỉnh, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều đủ khả năng cung cấp tất cả các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Như vậy, khách hàng có nhu cầu, đơn vị trung gian thanh toán đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là các đơn vị cung cấp dịch vụ phải chủ động triển khai, hướng dẫn đến từng khách hàng của mình.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc