Multimedia Đọc Báo in

Xử lý tài sản bảo đảm vốn vay: Thiếu sự phối hợp từ cơ quan tư pháp

08:02, 07/08/2017

Xử lý nợ xấu đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm và tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên, một trong những “điểm nghẽn” rất lớn là việc xử lý tài sản bảo đảm đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, đến nay, nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã lên đến 1.706 tỷ đồng, chiếm 2,31% tổng dư nợ cho vay, tăng 587 tỷ đồng so với đầu năm. Mới đây, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2017, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tăng là do khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua. Thậm chí một số ngân hàng còn tỏ ra bức xúc, đề xuất NHNN và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phải có những kiến nghị đến các cấp cao hơn sớm tháo gỡ những khó khăn liên quan.

Theo quy định, khi thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức, cá nhân vay tiền, ngân hàng phải kiện ra toà. Việc khởi kiện thi hành án kéo dài và phải qua nhiều thủ tục. Các trường hợp bán tài sản là đất, tài sản gắn liền với đất không được các cơ quan chức năng chứng nhận vì vướng thủ tục pháp lý. Nếu thắng kiện, ngân hàng phải thông qua cơ quan thi hành án tại địa phương và phải trích tiền bán tài sản để đóng một số loại thuế… Thế nhưng hầu hết các ngân hàng đều gặp khó khăn do chưa nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan thi hành án. Theo Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Chi nhánh Đắk Lắk (Sacombank Đắk Lắk) Nguyễn Phạm Đình Vinh, khi đi vay thì khách hàng cam kết thế chấp nhưng khi ngân hàng đòi nợ thì khách hàng không hợp tác để cho ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm. Đến khi ngân hàng thắng kiện tại tòa lại đến giai đoạn gian truân nhất là thi hành án. Hiện nay công tác xử lý tài sản bảo đảm của ngân hàng này đang rất khó khăn, các ngân hàng luôn trong tình trạng “nắm đằng lưỡi” do chưa nhận được sự hợp tác của ngành Tòa án và cơ quan thi hành án. Trong một số tranh chấp tuy rất đơn giản nhưng các ngành liên quan dường như cố tình gây khó khăn, khiến sự việc dây dưa nhiều năm vẫn không xử lý được. Trong khi đó một số ngân hàng khác lại cho rằng, hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm nhanh hay không phụ thuộc hoàn toàn vào các mối quan hệ của ngân hàng với cơ quan thi hành án. Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Ea Kar (Agribank Ea Kar) Hồ Xuân Bửu Tư chia sẻ, trước đây việc xử lý tài sản bảo đảm của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi cơ quan Thi hành án tại huyện Ea Kar có sự thay đổi nhân sự, một số vụ việc đã được giải quyết nhanh hơn trước rất nhiều.

Để tháo gỡ khó khăn của các TCTD trong xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản vay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 (có hiệu lực từ 15-8-2017), trong đó có điều chỉnh một số quyền hạn của TCTD trong xử lý tài sản bảo đảm như cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm, được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản, được kê biên tài sản trong quá trình làm các nghĩa vụ khác…Tuy nhiên theo các ngân hàng đây mới chỉ là căn cứ pháp lý, muốn thực thi có hiệu quả phải có sự chung tay của tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan công an... bởi đây không phải chỉ là vấn đề của riêng ngành Ngân hàng.

Cũng tại hội nghị trên, bên cạnh chia sẻ khó khăn với các ngân hàng,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê cho rằng, để giải quyết tốt hơn vấn đề nợ xấu, các TCTD cần có những biện pháp ngăn ngừa những yếu tố có thể biến thành nợ xấu. Vừa qua, đã xảy ra tình trạng nâng khống giá trị tài sản thế chấp hoặc trong quá trình tài sản được thế chấp, ngân hàng không giám sát nên hiện trạng bị thay đổi, có khi tài sản đó bị tranh chấp hoặc bị bán cho người khác… làm tình hình trở nên phức tạp hơn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.