Multimedia Đọc Báo in

Bình Minh đợi điện sáng

08:28, 26/09/2017

Thôn Bình Minh (xã Ea Tir, huyện Ea H’leo) cách trung tâm xã chừng gần 10 km, giáp ranh với xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), nằm lọt thỏm giữa mấy quả đồi, nên từ xa trông giống như một “ốc đảo”.

Người dân ở đây đa phần là dân tộc Dao, Tày, Nùng ở các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cao Bằng di cư vào từ đầu những năm 2000, thôn được chính thức thành lập từ năm 2007.

Theo ông Tăng Thanh Kiệt, Bí thư Chi bộ thôn Bình Minh, cả thôn có 115 hộ thì 56 hộ thuộc diện nghèo, trong đó, nguyên nhân lớn nhất là không có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Vài năm nước, bà con ở đây phần lớn còn phải dùng đèn dầu để thắp sáng. Gần đây, một vài hộ có điều kiện kinh tế đã góp tiền đầu tư kéo điện cách chỗ ở 2 km về để sử dụng. Còn lại, người dân phải lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời phát điện, chi phí từ 2 – 5 triệu đồng/bộ.

Nhiều hộ dân ở thôn Bình Minh phải dùng điện qua bình ắc quy.
Nhiều hộ dân ở thôn Bình Minh phải dùng điện qua bình ắc quy.

 

Ông Đào Văn Bé, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea H’leo cho biết, hạ tầng lưới điện trên địa bàn huyện hiện có 286 km đường dây trung áp, 291 km đường dây hạ áp và 185 trạm biến áp, tổng công suất hơn 37.215 kvA. Tuy nhiên, nhiều thôn, buôn vẫn chưa có điện lưới quốc gia, hoặc nguồn điện yếu, không bảo đảm chất lượng. Gần đây, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí xây dựng đường điện như thôn 5, 8 xã Ea Nam, thôn 8, 9, 10, xã Cư Mốt.

Anh Lý Ngọc Hương, một người dân trong thôn cho biết, đầu năm nay, gia đình anh lắp đặt hệ thống điện mặt trời, công suất 12 kvA, tổng chi phí 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn điện từ thiết bị này rất yếu, chỉ đủ thắp sáng, không thể nấu cơm, xem tivi hay sử dụng vào việc khác. Người dân ở đây còn khó khăn nên không thể lắp đặt công trình điện mặt trời công suất lớn; điện chủ yếu để ưu tiên con em học bài vào buổi tối. Vào mùa mưa, điện càng yếu hơn vì trời ít nắng.

Tuy vậy, không phải hộ nào cũng có điều kiện để sắm thiết bị phát điện. Đơn cử như gia đình ông Đặng Văn Hoan (gần 80 tuổi) có 7 người, nhưng vì nghèo không thể lắp hệ thống phát điện, do đó, để có điện ông phải đem bình ắc quy đi sạc ở khu vực có điện lưới hoặc nhờ gia đình nào có điện mặt trời để sạc nhờ. Mỗi lần sạc bình cũng chỉ dùng được một đêm nên sinh hoạt trong gia đình gặp nhiều khó khăn, bất tiện. “Tôi sống gần hết đời người cũng mong muốn được một lần có điện, chỉ thương trẻ con trong thôn phải chịu thiệt thòi, học hành khó khăn”, ông Hoan bộc bạch.

Ông Phùng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết, toàn xã có 9 thôn, buôn với gần 1.200 hộ, tình trạng thiếu điện không chỉ ở thôn Bình Minh mà còn cả ở thôn Bình Sơn. Cả 2 thôn có hơn 200 hộ, do không có điện nên người dân rất khó khăn trong việc sản xuất, phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Địa phương đã kiến nghị với với huyện, tỉnh đầu tư điện lưới quốc gia đến khu vực này để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.