Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh cho cây sầu riêng: Khai thác hợp lý, tránh lạm dụng hóa chất

08:28, 26/09/2017

Cuối năm 2016, đầu năm 2017 trên địa bàn huyện Krông Pắc xảy ra đợt dịch bệnh trên cây sầu riêng làm hơn 100 ha bị chết hoàn toàn, trên 200 ha nhiễm bệnh mức độ 50-90%. Người dân đã tìm mọi cách để trị bệnh cho cây nhưng không có kết quả, thậm chí bệnh còn lây lan với tốc độ nhanh hơn.

Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm nghiệm mới phát hiện tình trạng thối rễ, mục thân, cành cây do nấm Phytophthora  Palmivora gây nên, còn nấm Rhizoetonia Solani tấn công làm rụng lá trên cây sầu riêng. Nguyên nhân được xác định: Do mưa trái mùa kéo dài làm cho độ ẩm cây, đất, không khí tăng cao đã tạo điều kiện cho nấm bệnh bùng phát, gây hại trên diện rộng. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do những năm gần đây giá sầu riêng tăng cao nên người dân ồ ạt sử dụng thuốc kích thích, phân bón hóa học kích cây ra nhiều trái khiến sầu riêng bị kiệt sức, giảm khả năng đề kháng. Do đó, khi gặp điều kiện bất lợi, cây không có khả năng chống chịu dẫn đến dịch bệnh bùng phát, không kiểm soát được.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona-Techno hướng dẫn nông dân tiêm thuốc trị bệnh cho sầu riêng.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona-Techno hướng dẫn nông dân tiêm thuốc trị bệnh cho sầu riêng.

 

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Dona-Techno cho biết, sầu riêng thuộc hàng trái cây cao cấp, có giá trị kinh tế cao của vùng nhiệt đới và ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Do đó, diện tích trồng sầu riêng tại các nước có thể sản xuất được ngày càng tăng với đa dạng các giống khác nhau. Tuy nhiên, các nước trong khu vực có năng suất sầu riêng thấp hơn và cũng ít bị dịch bệnh hơn so với Việt Nam. Đặc biệt, đầu vào được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn giống, đất trồng và khai thác theo tiến độ sinh trưởng của cây nên chất lượng quả đồng đều, bảo đảm các yêu cầu khắt khe của khách hàng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu… 

Để hỗ trợ nông dân cứu vườn sầu riêng, Sở NN-PTNT phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển sinh học Dona-Techno và Công ty Cổ phần Cà phê Phước An xây dựng mô hình phòng, trị bệnh xì mủ, khô cành, rụng lá trên 7 vườn cà phê xen canh 430 cây sầu riêng bằng thuốc Agrifos 400. Theo đó, để phòng bệnh, nông dân sử dụng thuốc Agrifos 400 nồng độ 0,5%  (1 lít thuốc pha với 200 lít nước) phun đều trên cây định kỳ 1 tháng/lần kết hợp với tưới thuốc (nồng độ 1%) vào vùng cổ rễ 60 ngày/lần hoặc tiêm thuốc (nồng độ 50%) trực tiếp vào cây 3-4 lần/năm dựa vào đường kính thân (1cm đường kính tiêm 2ml thuốc). Với những vườn bị bệnh thì quy trình trị bệnh tương tự với phòng bệnh nhưng cường độ cao hơn – thực hiện liên tiếp 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày, sau đó lặp lại quy trình theo cách phòng bệnh. Cách tiêm thuốc cụ thể như sau: dùng mũi khoan 6,5mm khoan xiên 450 vào dát (tránh chạm vào lõi cây) tại vùng vỏ trên thân cây không vướng vào cành nhánh phía trên theo chiều thẳng đứng, chếch lên khoảng 5O, sâu 3-4 cm, sau đó gắn ống tiêm thuốc chuyên dùng và kéo dây nén thuốc. Những cây có cổ rễ nằm sâu trong đất thì dùng vòi nước xoi đất ra trước khi tưới hoặc dùng cần sục, sục thuốc xung quanh vùng rễ. Để áp dụng hiệu quả quy trình, người dân cần giữ ẩm cho đất trong suốt thời gian xử lý thuốc nhưng vẫn bảo đảm vườn cây thoát nước tốt và không pha bất cứ thuốc nào trong quá trình xử lý.

Nhờ áp dụng đúng quy trình dưới sự giám sát của cán bộ kỹ thuật công ty mà đến nay, các vườn sầu riêng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 ha sầu riêng, tập trung tại các huyện Krông Pắc, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột với các giống phổ biến như sầu riêng Lựu Đạn (quả nhỏ 0,5-0,7kg), óc khỉ, khổ qua xanh, khổ qua vàng, Ri6, DONA… Đa số diện tích sầu riêng đều được trồng xen canh trong vườn cà phê, nhưng những năm gần đây, giá cà phê bấp bênh nên sầu riêng trở thành nguồn thu nhập chính của bà con. Qua hàng chục năm canh tác, các nguồn sâu bệnh luôn có sẵn trong đất nên nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay là rất cao. Do đó, để phát triển sầu riêng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thì người dân cần canh tác theo lộ trình: không khai thác quá mức, chăm sóc sầu riêng hợp lý, bón phân cân đối, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, không lạm dụng hóa chất, thuốc kích thích cây ra trái, đậu quả, ép trái chín đều để tránh tình trạng khai thác quá mức làm cho cây trồng giảm sức đề kháng, dễ nhiễm sâu bệnh cũng như bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc