Hỗ trợ tối đa cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội
Thời gian qua, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh NGUYỄN HẢI NINH.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh (bên trái) thăm một mô hình phát triển kinh tế tại huyện Krông Năng. Ảnh: M. Thuận |
°Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Trong 15 năm hoạt động, NHCSXH trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Từ khi thành lập đến nay, ngân hàng đã giải ngân trên 9 nghìn tỷ đồng vốn của Nhà nước đến tận tay đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tiết giảm chi phí cho người vay và ngân hàng, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn. Nguồn vốn cho vay đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Quan trọng hơn, NHCSXH đã phát huy tốt vai trò cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận mà vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, nên đã góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, cũng đã góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
°Trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ như thế nào để NHCSXH hoạt động hiệu quả, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, Chương trình vốn vay tín dụng chính sách đã đem lại những lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc tạo điều kiện cho ngân hàng chính sách hoạt động hiệu quả trên địa bàn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những hỗ trợ như cơ sở hạ tầng, động viên các tổ chức chính trị, xã hội tích cực tham gia cùng Ngân hàng; địa phương cũng đã dành một nguồn kinh phí lớn từ ngân sách để ủy thác cho vay. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh đã chuyển từ ngân sách sang NHCSXH 167 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh 102 tỷ đồng, từ ngân sách các huyện, thị xã, thành phố 65 tỷ đồng và Đắk Lắk được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu của cả nước trong vấn đề này. Cùng với đó, tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức chính trị, xã hội cùng với NHCSXH phát huy tối đa hiệu quả vốn vay, góp phần cùng ngân hàng bảo toàn, phát triển và quay vòng nguồn vốn, bảo đảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn ở ngưỡng cho phép.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh H'Kim Hoa Byă (bìa trái) kiểm tra hiệu quả vốn vay NHCSXH tại huyện Krông Năng. |
°Với vai trò là Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, theo ông Ban đại diện HĐQT các cấp tại địa phương đã hoạt động hiệu quả như mong đợi chưa?
Hiện nay, quản trị hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh là Ban đại diện HĐQT tỉnh và 15 Ban đại diện HĐQT cấp huyện với tổng số 362 thành viên. Trong đó, Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh có 13 thành viên; Ban đại diện HĐQT cấp huyện có 349 thành viên, bao gồm trưởng các Ban, ngành, hội, đoàn thể cấp huyện và 184 Chủ tịch UBND cấp xã. Với thành phần như vậy, hoạt động của NHCSXH đã được địa phương quan tâm, giám sát mọi mặt. Tuy nhiên, ở một số địa phương do công tác tổ chức tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mức; các Hội, đoàn thể cấp xã chưa tích cực tham mưu cho Đảng ủy, UBND cấp xã chỉ đạo Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi triển khai nhiệm vụ được giao; công tác thu hồi nợ phân kỳ theo quy định đạt thấp, nhiều hộ vay bỏ đi khỏi địa phương chưa tìm được địa chỉ để thu hồi, con em hộ nghèo ra trường chưa có việc làm; cán bộ lãnh đạo hội cấp xã thường xuyên thay đổi, dẫn đến phải thường xuyên tổ chức đào tạo lại; công tác kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cho vay chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến có lúc, có nơi xác nhận sai đối tượng được thụ hưởng… Đó là những hạn chế cần sớm khắc phục.
°Để nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH, theo ông trong thời gian tới tỉnh sẽ có những hỗ trợ như thế nào?
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhằm tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT các cấp đối với mọi mặt hoạt động của Chi nhánh NHCSXH, tỉnh sẽ tổ chức kiện toàn hoạt động của Ban đại diện HĐQT, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai nguồn vốn ủy thác, hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Tùy vào tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa tỉnh, UBND tỉnh sẽ đề xuất, trình HĐND tỉnh tăng tỷ lệ cơ cấu chuyển vốn cho NHCSXH tỉnh kể từ năm 2018 từ 12 tỷ đồng đến 14 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Bên cạnh sự hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương, tôi mong rằng thời gian tới Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng đã được Chính phủ giao; trong đó ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ sản xuất kinh doanh có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần ổn định xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, giảm dần khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn tỉnh.
°Xin cảm ơn ông!
Giang Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc