Multimedia Đọc Báo in

Trồng rừng nguyên liệu giấy - hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở huyện M'Đrắk

13:14, 11/09/2017
Những năm gần đây, huyện M’Đrắk đã lựa chọn trồng rừng nguyên liệu giấy là một hướng phát triển kinh tế địa phương. Trồng rừng ở huyện M’Đrắk không phải là mới nhưng tìm ra hướng đi lên từ rừng lại là một bước ngoặt, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Để nâng cao giá trị và chất lượng rừng trồng, huyện M’Đrắk đã chủ động chuyển từ đi mua sang tự sản xuất cây giống tốt tại địa phương, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển chọn các loại giống chất lượng cao, được kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ theo chuỗi quy trình sản xuất giống. Việc cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, chăm sóc cây giống, định hướng thời vụ trồng rừng cũng được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn đến các đơn vị quản lý rừng, cơ sở sản xuất cây giống và người dân trồng rừng.
Người dân xã Cư M'tar (huyện M'Đrắk) trồng rừng năm 2017.
Người dân xã Cư M'ta (huyện M'Đrắk) trồng rừng năm 2017.

Theo tính toán của người dân, trồng rừng nguyên liệu giấy có nhiều thuận lợi bởi cây keo không đòi hỏi trình độ kỹ thuật trồng cao và nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư khoảng từ 10 - 15 triệu đồng/ha. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 5 năm, 1 ha rừng cho thu hoạch 100 - 130 ster gỗ, mang lại thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng, mức thu nhập có thể giúp nông dân thoát nghèo. Theo chị Nguyễn Tố Nga (thôn 4, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk) đã có 10 năm gắn bó với trồng rừng, nhờ cây gỗ keo nguyên liệu giấy mà nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Với định hướng phát triển kinh tế đồi rừng trở thành  thế mạnh của địa phương, hằng năm huyện M’Đrắk phấn đấu trồng mới trên 1.000 ha rừng nguyên liệu trên diện tích đất sau thu hoạch. Năm 2016, toàn huyện trồng mới 1.135 ha rừng nguyên liệu, đạt 103,2% kế hoạch; trong đó, các công ty, doanh nghiệp trồng 673 ha, các hộ cá thể trồng  462 ha. Các địa phương và đơn vị cũng đã thu hoạch 108.340 m 3 gỗ rừng trồng. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất thuận tiện vì hiện nay địa phương đã có Nhà máy gỗ dăm của Hợp tác xã Tiến Nam được đầu tư xây dựng trên diện tích 2 ha tại thôn 1, xã Cư Króa. Năm 2016, nhà máy này đã thu mua trên 62.600 tấn keo nguyên liệu, sau chế biến sẽ bán cho các công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, huyện M’Đrắk ươm trên 300.000 cây keo giống, khoảng 7.000 cây phân tán và trên 6.000 cây gỗ sao, chuẩn bị trồng mới 1.100 ha rừng, tập trung ở các xã Ea M'đoal 310 ha, Ea Trang 240 ha, Ea Lai 150 ha; các địa phương còn lại từ 20 - 100 ha…
 
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk Hòa Quang Khiêm cho biết, nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung vào trồng cây gỗ keo nguyên liệu giấy mà đời sống của người dân và kinh tế huyện M’Đrắk không ngừng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện. Trồng rừng nguyên liệu không chỉ góp phần giảm nghèo mà còn mang lại lợi ích to lớn hơn là bảo vệ cảnh quan và môi trường sống.
 
Thu Nguyệt

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.