Multimedia Đọc Báo in

Ea Mnang huy động sức dân làm đường giao thông

13:22, 23/10/2017

Xã Ea Mnang (huyện Cư M'gar) hiện có 9 thôn, 1.890 hộ, 8.971 nhân khẩu với 7 dân tộc anh em cùng chung sống. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Cư M'gar, xã Ea Mnang nằm ở tốp trung bình khá của huyện.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Ea Mnang gặp khó nhất là thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, bởi so với các địa phương khác, Ea Mnang có địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường liên thôn, liên đội, đường nội đồng, với chiều dài 6,68 km đường trục thôn, 39,75 km đường ngõ xóm và 89 km đường nội đồng là đường đất. Hầu hết các tuyến đường này đều nhỏ hẹp, hai bên lề đường người dân trồng cà phê, hồ tiêu, có nhiều nhà đã xây dựng tường rào, cổng kiên cố... nên việc vận động nhân dân mở rộng đường rất khó, nhiều lúc tưởng không thể thực hiện được.

Nhân dân thôn 1B (xã Ea Mnang, huyện Cư M'gar) tham gia  làm đường giao thông.
Nhân dân thôn 1B (xã Ea Mnang, huyện Cư M'gar) tham gia làm đường giao thông.

Xã Ea Mnang đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích thiết thực mang lại từ chương trình. Đặc biệt, xã Ea Mnang chú trọng phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", từ đó vai trò của người dân được phát huy, mọi vướng mắc đều được giải quyết ngay tại các cuộc họp ở tổ liên gia, cuộc họp thôn. Các chủ trương, kinh phí đóng góp được ghi chép và công khai minh bạch, rõ ràng. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, vận động các hộ có điều kiện khá, sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình thì đóng góp, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn...

Những giải pháp trên đã huy động được tinh thần đoàn kết, nguồn lực trong nhân dân. Các hộ tự nguyện phá bỏ cà phê, hồ tiêu, tường rào, công trình xây dựng kiên cố để mở rộng đường giao thông mà không đòi hỏi đền bù, hỗ trợ; bàn bạc, thống nhất, đóng góp tiền, ngày công để bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên đội. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, xã Ea Mnang đã bê tông được 1.216 m đường giao thông liên thôn, sửa chữa 1.000 m đường và nâng cấp 1.200 m đường đất lên cấp phối, với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp 600 triệu đồng, hiến 3.200 m2 đất và tài sản trên đất để mở rộng đường trị giá khoảng 600 triệu đồng, đóng góp 120 ngày công. Tính đến thời điểm hiện nay, cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, cán bộ và nhân dân xã Ea Mnang đã bê tông hóa được 2.506 m đường giao thông.

Mới đây, tuyến đường thôn 1B nhỏ hẹp và lầy lội đã được thay thế bằng con đường bê tông khang trang, sạch sẽ. Để làm được con đường này, UBND xã Ea Mnang hỗ trợ kinh phí san ủi mặt bằng, Ban tự quản thôn tổ chức họp dân, ban bạc thống nhất người dân tự đóng góp tiền để làm đường. Con đường dài 806 m được xây dựng với kinh phí 703 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 380 triệu đồng, hiến 320 m2 đất và dỡ bỏ nhiều tường rào, cây trồng để mở rộng mặt đường lên 8 m. Anh Trần Đình Quân, một người dân trong thôn, phấn khởi: "Con đường giờ đã khang trang, kiên cố, không còn tình trạng lầy lội như trước đây nữa. Bà con trong thôn ai cũng vui mừng".

Được biết, từ nay đến cuối năm 2017, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp, xã Ea Mnang sẽ bê tông khoảng 4,2 km đường giao thông liên thôn; đồng thời bằng kinh phí ngân sách xã tiếp tục đo đạc để nâng cấp cứng hóa nền đường giao thông ở 10 tuyến đường liên thôn, liên đội với chiều dài khoảng 6 km. Đến thời điểm hiện nay, xã Ea Mnang đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới và đang nỗ lực phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào cuối năm 2017.

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.