Hiệu quả cao từ trồng cau
Những ngày này, người dân nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch cau. Nông dân ai cũng phấn khởi vì cau năm nay bán được giá cao hơn mọi năm.
Cau là cây trồng chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí đầu tư thấp, lại không tốn nhiều công chăm sóc nên nhiều gia đình đã đầu tư phát triển cây cau. Người dân thường trồng cau tại những khu đất cằn, chua, dưới khe suối, sinh lầy khó phát triển được các loại cây công nghiệp dài ngày, hoặc tận dụng đất, trồng tại hàng rào, xung quanh nhà… Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, giá cau tăng nên cau được nhiều người dân đưa vào trồng hơn.
Cách đây 8 năm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhung (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) đầu tư trồng tiêu, sầu riêng trên mảnh vườn gần 2 sào. Tuy nhiên, do đất cằn khiến năng suất không cao trong khi chi phí đầu tư, công chăm sóc bỏ ra nhiều nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Không trồng được loại cây trồng nào khác, bà quyết định đầu tư trồng hơn 300 cây cau trên diện tích 2 sào đất vườn. Bà Nhung cho biết, sau 5 năm cau cho thu hoạch ổn định, mỗi vụ thu hoạch cau kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, trung bình cách 25 ngày thu 1 đợt. Sau mỗi đợt thu hoạch gia đình bà bón phân 1 lần để cau bảo đảm năng suất ở đợt thu sau. Trước đây, trung bình mỗi năm gia đình bà thu hoạch 7 – 8 tấn cau, được thương lái vào tận nhà thu mua, nhưng giá cau nhiều lúc chỉ có 2 – 3 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình bà thu về gần 10 triệu đồng/mùa. Ba năm trở lại đây, đặc biệt là năm nay giá cau tăng cao từ 17 – 25 nghìn đồng/kg đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình bà. Bà Nhung cho biết thêm, năm ngoái cả mùa cau gia đình bà thu về hơn 100 triệu đồng; năm nay giá cau tăng, gia đình bà mới thu hoạch 4 đợt, với hơn 5,5 tạ cau, bà đã thu về 120 triệu đồng.
Thương lái đến tận nhà thu mua cau của gia đình ông Nguyễn Viết Minh (xã Ea Tiêu, Cư Kuin) . |
Thấy cau đem lại giá trị kinh tế cao, hiện nay tại nhiều địa phương như thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Năng, Krông Pắc… người dân đầu tư trồng cau với số lượng khá lớn. Không những thế, dưới mỗi gốc cau đã cho năng suất ổn định nhiều gia đình đã tận dụng để trồng thêm tiêu, để tăng thêm thu nhập.
Cau được giá không chỉ là niềm vui của những người trồng cau mà người buôn cau cũng ăn nên làm ra. Anh Bùi Quang Khánh (Hải Phòng) chủ cơ sở chế biến cau Hà Đại (buôn Krông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, đã 6 năm nay cứ đến mùa cau anh lại vào Đắk Lắk thu mua và chế biến cau. Mỗi năm anh thu mua được từ 120 – 140 tấn cau tươi, chế biến được 20 – 30 tấn cau khô đưa ra Lạng Sơn để xuất bán cho thương lái Trung Quốc với giá từ 120 – 160 nghìn đồng/kg tùy năm. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở chế biến cau của anh thu mua được từ 3 – 4 tấn cau tươi từ thương lái trong xã và các huyện lân cận như Krông Năng, thị xã Buôn Hồ… Anh cho hay, mỗi mùa cau, bên cạnh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 nhân công (với mức lương 8 – 9 triệu đồng/tháng), hằng ngày anh còn thuê rất nhiều nhân công bẻ trái làm thời vụ (50 kg/10 nghìn đồng).
Cau bán được giá, người dân phấn khởi, nhiều người dự định đầu tư trồng cau. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cau trong nước hiện đang phụ thuộc vào sức mua của nước ngoài, tiềm ẩn sự bất ổn về giá cả. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân không nên ồ ạt trồng cau mà chỉ nên tận dụng trồng trên diện tích nhất định nhằm hạn chế rủi ro không đáng có.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc