Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Năng suất cà phê ổn định nhờ chăm sóc và khai thác hợp lý

09:23, 11/10/2017

Là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất cà phê của tỉnh, những năm qua, Krông Năng luôn chú trọng phát triển cà phê theo hướng bền vững từ các chương trình chứng nhận chất lượng.

Cà phê già cỗi thường đi kèm với năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp nhưng tại Krông Năng hiệu quả kinh tế mang lại vẫn cao so với các cây trồng khác. Ông Lý Văn Đông (xã Ea Tân) cho biết, vườn cà phê 2,8 ha của gia đình đã trên 20 năm tuổi, nhưng năng suất bình quân hằng năm đạt gần 4 tấn nhân/ha, thu lãi mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Sở dĩ vườn cây vẫn cho năng suất cao, ổn định do được trồng trên đất thích hợp, có hệ thống cây che nắng, chắn gió, đặc biệt là việc khai thác dựa vào tiến độ sinh trưởng của vườn cà phê nên cây có sức đề kháng tốt, chống chịu được dịch bệnh, thời tiết.

Cũng ở xã Ea Tân, gia đình bà Nguyễn Thị Ngoãn có vườn cà phê 0,8 ha sản xuất theo hướng bền vững, đặc biệt là quan tâm lợi ích môi trường, sức khỏe cộng đồng chứ không đặt mục đích lợi nhuận một cách tối đa nên giảm áp lực gia tăng năng suất, lợi nhuận, giữ được sự phát triển ổn định trên vườn. Nhờ đó, từ năm 2009 đến nay, vườn cà phê của gia đình luôn đạt chứng nhận Thương mại công bằng - Fair Trade (FLO) và được cộng thưởng từ 9.000-10.000 đồng/kg (tùy vào chất lượng cà phê) khi xuất bán cho các doanh nghiệp liên kết. Trong đó, gia đình được hưởng 70% giá cộng thêm theo nhiều hình thức: nhận tiền trực tiếp khi giao dịch, hỗ trợ phân bón tái đầu tư vườn cây, sử dụng các công trình xây dựng từ quỹ phúc lợi như trường học, đường giao thông…

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk thăm mô hình cà phê của nông hộ liên kết  ở xã Ea Tân.
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk thăm mô hình cà phê của nông hộ liên kết ở xã Ea Tân.

Với mục đích tập hợp, kết nối và nhân rộng mô hình sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cuối năm 2016 Hội người sản xuất cà phê bền vững huyện Krông Năng được thành lập và đi vào hoạt động. Hiện tại, hội có 140 hội viên, canh tác trên diện tích 140 ha cà phê trên địa bàn. Từ nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê, vật tư nông nghiệp cũng như các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể thông qua hội để rút ngắn khoảng cách, thời gian, kinh phí thực hiện các hoạt động đầu tư, thu mua, chế biến… Đặc biệt, việc tập hợp nông dân lại thành một tổ chức thống nhất theo hình thức tự nguyện đã góp phần nâng cao ý thức canh tác cà phê bền vững, đồng thời giúp các hội viên kiểm soát đầu vào cũng như nâng cao giá trị, tiếng nói của người sản xuất khi xuất bán cà phê cho các đối tác.

Ông Lê Rế, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, toàn huyện hiện có hơn 25.000 ha cà phê rải đều khắp 11 xã, thị trấn, năng suất bình quân đạt gần 3 tấn nhân/ha, sản lượng ước đạt 75.000 tấn. Trong đó, cà phê đạt các chứng nhận quốc tế FLO, Rainforest, 4C chiếm khoảng 13% tổng diện tích cà phê toàn huyện. Sự tham gia liên kết, hỗ trợ cây giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, TNHH Đắk Man Việt Nam, tập đoàn Nettles Việt Nam… với người dân đã hỗ trợ đắc lực cho bà con trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm đầu ra ổn định cho cà phê. Hiện tại, người dân có xu hướng xen canh hồ tiêu, sầu riêng, bơ, một số diện tích trồng cây mắc ca quanh vườn vừa tạo hành lang che bóng, chắn gió vừa gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích cũng là giải pháp góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của vườn cây.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc