Làm sao ngăn chặn vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ?
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) lưu thông trên thị trường tỉnh ngày càng nhiều và phức tạp, nhất là với các nhãn hàng rượu, mũ bao hiểm, máy tính Casio, phụ tùng Honda....
Đối tượng làm hàng giả, vi phạm SHTT cũng ngày càng gia tăng với công nghệ tinh vi, khó phát hiện, thậm chí, gian thương còn móc nối với nước ngoài để đặt hàng sản xuất hoặc gia công, lắp ráp, phân phối hàng giả, vi phạm SHTT.
Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra mũ bảo hiểm Nón Sơn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại một cửa hàng ở thị xã Buôn Hồ. |
Nhiều sản phẩm xâm phạm quyền SHTT từ nhãn mác, hình ảnh đến tên gọi (gần như giống hệt với hàng chính hãng) được các hộ kinh doanh bán ra có giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng, do không phải tốn chi phí xây dựng thương hiệu. Mỗi khi phát hiện sản phẩm bị xâm phạm, doanh nghiệp (DN) phải phối hợp với cơ quan chức năng, cung cấp mẫu hàng thật cũng như giấy tờ đã được bảo hộ để đối chứng. Khi đã có kết luận một DN nào đó cố tình xâm phạm, cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm; nhưng chỉ vừa dẹp xong thì trên thị trường lại xuất hiện sản phẩm mới y hệt, song bao bì lại ghi địa chỉ sản xuất nơi khác. Khi cơ quan chức năng lần theo những địa chỉ này thì đó đều là địa chỉ "ma"!
Theo thống kê của Chi cục QLTT tỉnh, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra và xử lý 21 vụ vi phạm về SHTT, phạt hành chính gần 250 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá 245 triệu đồng, tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu...
Theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, có không ít vụ việc do DN không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nên bị mất thương hiệu hoặc mất quyền sử dụng cho sản phẩm của mình đang sản xuất. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ có 20% là của DN Việt Nam và chủ yếu của những DN lớn; đối với DN nhỏ thì lại khá thờ ơ với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế hiện nay, các quy định, chế tài xử lý các vấn đề vi phạm về SHTT cơ bản đã đủ để răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm (với mức xử phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng và có thể đưa ra truy tố hình sự). Tuy nhiên, vì lý do siêu lợi nhuận nên việc vi phạm vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng.
Rõ ràng, việc chống vi phạm SHTT đòi hỏi phải bắt đầu từ bản thân DN. Mỗi DN cần nâng cao nhận thức về quyền SHTT, quan tâm đầu tư đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm do mình làm ra để tự bảo vệ quyền lợi của mình trước khi "cầu cứu" đến cơ quan chức năng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc