Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả sử dụng và thu hút nguồn vốn ODA

09:38, 24/10/2017

Những năm qua, nguồn vốn ODA (vốn vay ưu đãi từ nước ngoài) đã góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này,  tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp và chỉ đạo các ngành chức năng chú trọng thực hiện.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 28 dự án (DA), chương trình ODA đã và đang được triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 6.579 tỷ đồng. Trong đó, 10 DA hoàn thành, 14 DA, chương trình chuyển tiếp và 4 DA mở mới.

Ngoài ra, dự kiến DA Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị hạn hán sẽ được ký Hiệp định trong năm nay với tổng mức 463,52 tỷ đồng. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đa số các chương trình, DA đều bảo đảm tiến độ thực hiện cũng như tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch, những vướng mắc liên quan đến quy trình đấu thầu, giải ngân dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ cơ bản được giải quyết.

Tuy nhiên, hiện một số DA đang gặp khó khăn do chưa được giao vốn nước ngoài trong năm 2017 để thực hiện nên chậm tiến độ như: DA Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2 (đã khởi công xây dựng 7 công trình thuộc danh mục đầu tư xây dựng đợt 1, đến nay đã thực hiện hơn 50% khối lượng); DA Chăm sóc sức khỏe Tây Nguyên, giai đoạn 2 (gồm 3 hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản:  Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Búk, Phòng khám Đa khoa khu vực 719 huyện Krông Pắc, Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột)...

Bên cạnh đó, một số DA đang gặp khó do thiếu vốn đối ứng từ ngân sách, giao vốn nước ngoài chậm cũng dẫn đến chậm tiến độ như: Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, DA Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat), trong quý đã tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc 2 hợp phần C, D gồm: tập huấn, hội thảo, triển khai các gói thầu xây lắp. Tháo gỡ khó khăn này, tỉnh đã có Công văn số 4681/UBND-TH ngày 19-6-2017 kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2017 cho các DA ODA đang triển khai thực hiện tại tỉnh.

Dự án FLITCH hỗ trợ cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên được triển khai hiệu quả tại Đắk Lắk.
Dự án FLITCH hỗ trợ cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên được triển khai hiệu quả tại Đắk Lắk.

Được các nhà tài trợ đánh giá là sử dụng hiệu quả nguồn vốn  ODA, để tiếp tục thu hút đầu tư cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả vận động, thu hút nguồn tài trợ này, tỉnh đang tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông liên tỉnh nối Đắk Lắk với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, các địa phương khác trong nước và khu vực Tam giác phát triển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, điện, hệ thống đường bộ. Trong đó, giải pháp mang tính chiến lược được tỉnh đặc biệt quan tâm đó là đổi mới và đẩy mạnh công tác quy hoạch để định hướng thu hút đầu tư vào các địa bàn, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế phát triển, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác theo dõi, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện các dự án ODA trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bảo đảm hiệu quả các dự án ODA đang thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác đối ngoại, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI), tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư cũng như các dự án ODA.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.