Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng lúa kém hiệu quả ở Ea Súp
Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây huyện Ea Súp đã tập trung chuyển đổi vùng đất trồng lúa hiệu quả thấp, khó khăn về nước tưới sang mô hình trồng rau màu, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lúa là cây lương thực chính, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của huyện Ea Súp. Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên toàn huyện có khoảng 1.000 ha đất trồng lúa thường bị hạn vào cuối vụ, ảnh hưởng đến năng suất. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã tích cực hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích này sang trồng những loại cây rau màu vừa có giá trị kinh tế lại dễ trồng, phù hợp với khí hậu của địa phương.
Chị Đinh Thị Hương ở thôn 5, xã Ea Bung chăm sóc dưa leo. |
Điển hình là anh Nguyễn Văn Len ở thôn 3, xã Ea Bung, sau hơn 2 năm chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu, cuộc sống gia đình anh đã có những thay đổi tích cực. Anh Len cho biết, do diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước, năng suất thấp nên anh quyết định chuyển 1 sào đất sang trồng các loại rau có khả năng chịu hạn, ưa nắng như: dưa leo, cà chua, rau cải... Trung bình mỗi năm gia đình anh trồng 4 đến 5 vụ rau nối tiếp nhau theo kiểu mùa nào thức ấy. Mô hình này đã giúp anh có thu nhập trên 5 triệu đồng mỗi tháng. Cũng giống như gia đình anh Len, năm 2016, chị Đinh Thị Hương ở thôn 5, xã Ea Bung cũng chuyển đổi một sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Để bắt đầu việc trồng rau trên vùng đất khó này, gia đình chị đã bồi đất lên cao, tạo rãnh thoát nước cho cây rau, đồng thời đào thêm giếng để luôn chủ động nguồn nước tưới. So sánh hiệu quả kinh tế giữa cây lúa với trồng rau, chị Hương khẳng định trồng rau không những tiết kiệm được chi phí đầu tư, nhân công mà còn cho thu nhập cao gấp 2-3 lần.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2013 đến nay toàn huyện đã chuyển đổi hơn 180 ha diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau, tập trung chủ yếu ở thị trấn Ea Súp, xã Ea Lê, Ea Bung. Trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 5 tấn rau các loại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Vườn rau cải của anh Nguyễn Văn Len ở thôn 3, xã Ea Bung. |
Có thể nhận thấy việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu là hướng đi đúng, vừa ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu lại giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, theo ông Phú, hiện nay việc chuyển đổi còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Để khai thác tối đa và có hiệu quả các mô hình chuyên canh rau, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng, đồng thời hướng dẫn quy trình sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu các giống cây chất lượng, phù hợp với khí hậu của địa phương; mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất rau theo hướng VietGap để tạo ra các sản phẩm rau sạch có năng suất, chất lượng và an toàn, gia tăng giá trị sản phẩm cũng như bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc