Multimedia Đọc Báo in

Cựu chiến binh vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình

14:37, 12/11/2017

Năm 1987, sau 6 năm tôi luyện qua môi trường quân ngũ ở Tổng cục Kỹ thuật Nha Trang (Khánh Hòa), ông Trần Đình Chính trở về quê hương Hà Tĩnh. Một thời gian sau, ông vào lập nghiệp tại tổ dân phố 11, thị trấn M’Đrắk (huyện M'Đrắk).

Ông Trần Đình Chính chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Trần Đình Chính chăm sóc đàn bò của gia đình.

Lúc đầu, ông Chính làm công nhân tại Xưởng Cơ khí điện và chế biến gỗ huyện M'Đrắk. Đến năm 1991, sau khi ông lập gia đình, cuộc sống ngày càng trở nên chật vật với đồng lương công nhân ít ỏi. Không cam chịu đói nghèo, ông Chính trăn trở tìm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình. Ông đầu tư mua một cặp bò sinh sản kết hợp nuôi thêm gà, lợn. Nhận thấy chăn nuôi bò sinh sản vừa vỗ béo là hướng đi có thu nhập ổn định, ông Chính quyết định dồn hết vốn liếng tích luỹ và mượn thêm anh em, họ hàng đầu tư mua đất xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò của gia đình ông luôn duy trì ở mức 70 - 75 con, có thời điểm lên đến 100 con. Không dừng lại ở đấy, năm 2006 ông Chính nhận khoán 10 ha rừng của Công ty Lâm nghiệp M’Đrắk để trồng keo. Với 10 ha rừng chi phí ban đầu khoảng 90 triệu đồng, sau 6 năm chăm sóc, đến năm 2012, ông thu hoạch vụ đầu tiên với giá bán lâm sản 45 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí có lãi trên 300 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông Chính có mức thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/năm, xây dựng được ngôi nhà khang trang, nuôi hai con ăn học trưởng thành.

Từ phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo, cựu chiến binh Trần Đình Chính đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng/người và từ 10-15 lao động thời vụ với mức khoán 150.000 đồng/người/ngày. Ông Lương Ích Khiêm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn M'Đrắk nhận xét: ông Chính luôn gương mẫu, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong phong trào Hội Cựu chiến binh, nổi bật là phong trào xây dựng quỹ hội, Quỹ Nghĩa tình đồng đội để tạo nguồn vốn, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.