Du lịch Buôn Ma Thuột với mục tiêu triệu lượt khách
Đề án phát triển du lịch, TP. Buôn Ma Thuột xác định đến năm 2020, địa phương đón khoảng 900.000 lượt khách và đến năm 2030 khoảng 2,3 triệu lượt. Để vươn tới mục tiêu này, ngành du lịch thành phố đang dốc lực thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng du lịch...
Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), trong 10 tháng của năm 2017 ngành du lịch đã có bước đột phá đáng kể với gần 600.000 lượt khách đến tỉnh, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu đạt 500 tỷ đồng, tăng khoảng 25,62% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thu hút khoảng 500.000 lượt. Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 thu hút khoảng 25.000 lượt du khách, trong đó 3.000 du khách quốc tế.
Lễ hội đường phố trong chuỗi Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017 thu hút nhiều du khách. |
UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, với mục tiêu đến năm 2020, du lịch Buôn Ma Thuột sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, chạm gần mốc 1 triệu lượt du khách, thành phố đã và đang tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư có tính đặc thù trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá các điểm du lịch, kêu gọi đầu tư trên; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Buôn Ma Thuột; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai xây dựng Công viên Ama Thuột; quy hoạch các hoa viên, công viên trồng hoa và cây xanh đặc trưng của Tây Nguyên. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra trong hoạt động du lịch, lưu trú nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan. Hiện tại, chính quyền thành phố đang ưu tiên, tập trung đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại 3 buôn: Akô Dhông, Tuôr, K’mrơng Prông B với mục tiêu đây là những buôn điểm về du lịch văn hóa cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn văn hóa của người Êđê bản địa, tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt để thu hút du khách. Đặc biệt, thành phố đang phát huy thế mạnh là quê hương của cà phê, kết hợp các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc, hệ sinh thái đặc thù để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo nên sự khác biệt so với các điểm đến khác ở Tây Nguyên.
“Ngành Du lịch đang tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư để TP.Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm trung chuyển dịch vụ, du lịch chính; hình thành và tạo sự kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch của tỉnh cũng như với các khu, điểm du lịch của các tỉnh trong khu vực.” Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch |
Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, với tên gọi “Hành trình di sản”, sản phẩm du lịch trải nghiệm cà phê kết hợp với văn hóa cồng chiêng đã bước đầu khẳng định thành công, gây sức hút đối với du khách tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017. Hiện nay, ngành du lịch đang tiếp tục phát triển sản phẩm này trở thành một lợi thế cạnh tranh và tạo sức hút mạnh mẽ để thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Với những nỗ lực trên những năm qua, số lượng khách du lịch đến với Buôn Ma Thuột đã có sự tăng trưởng đáng kể và ổn định. Nếu như năm 2010 Buôn Ma Thuột đón 236.000 lượt khách, thì đến năm 2015 đã tăng lên gần gấp đôi với 448.000 lượt du khách, ước năm 2017 trên 600.000 lượt, đóng góp 80% vào tổng lượt khách du lịch và doanh thu về du lịch của tỉnh.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc