Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cây ăn quả - hướng đi hiệu quả của nông dân huyện Cư M'gar

13:22, 01/11/2017

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm qua, nhiều nông dân huyện Cư M’gar đã mạnh dạn đầu tư phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Bành Việt Tùng là một trong những hộ dân đi đầu trồng cây ăn quả ở xã Ea Kpam. Gần 9 năm qua, gia đình anh Tùng đã xây dựng mô hình chuyên canh cây ăn quả với diện tích 3 ha, gồm: 500 cây bơ các loại và gần 100 cây sầu riêng Đôna, Ri 6; trong đó có 400 cây bơ Booth và 10 cây sầu riêng đang cho thu hoạch. Do phù hợp với chất đất, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây của gia đình anh Tùng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư, chăm sóc, anh Tùng thu lãi hơn 450 triệu đồng…

Anh chia sẻ: “Bơ, sầu riêng không những dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả mang lại cũng cao hơn nhiều so với trồng cà phê. Trung bình một năm gia đình tôi thu được 1 tấn sầu riêng và khoảng 15 - 20 tấn bơ, sản phẩm được thương lái đến tận nơi để thu mua. Những năm gần đây, giá bơ, giá sầu riêng trên thị trường tương đối cao, có lợi cho người nông dân trong khi chi phí đầu tư không nhiều”.

Chị Nguyễn Thị Thu bên vườn bơ Booth của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Thu bên vườn bơ Booth của gia đình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (thôn 8, xã Ea Kpam) cũng có nguồn thu nhập khá từ trồng cây ăn quả. Với 100 cây bơ và 70 cây sầu riêng được trồng xen trên diện tích 9 sào cà phê, tiêu, trung bình mỗi năm gia đình chị thu được 3 tấn bơ và 5 - 6 tấn sầu riêng, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí…

Theo thống kê, tổng diện tích cây ăn quả trồng thuần trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện đạt gần 90 ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương như: xã Quảng Hiệp (40 ha), Ea Kpam (13 ha), Cư Suê (12 ha) và Cư M’gar (7 ha)… Huyện cũng có khoảng 800 ha cây ăn quả được trồng xen trong các vườn cà phê, chủ yếu là các loại trái cây như: bưởi, bơ, sầu riêng, chôm chôm, mít, xoài, ổi… Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 502 ha bơ (giống bơ Booth chiếm hơn 60,3%). Việc đưa cây bơ vào trồng trong vườn cà phê có ưu điểm là che nắng, chắn gió, giảm được lượng nước tưới trong mùa khô cho cây trồng chính và nâng cao được hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

Trồng cây ăn quả đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông dân huyện Cư M’gar. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân vẫn trồng cây ăn quả một cách tự phát, manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến rủi ro cao. Bởi vậy, để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, các cơ quan chức năng địa phương cần rà soát giúp bà con trồng mới, ghép cải tạo những cây già cỗi bằng những giống mới cho năng suất cao; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.