Multimedia Đọc Báo in

Rau ở Ea Pốk vào vụ cuối năm

11:20, 28/11/2017

Những ngày này, người dân làng rau ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar đang tất bật làm đất, xuống giống lứa rau cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị nguồn hàng để cung ứng cho thị trường dịp tết đang đến gần.

Làng rau ở thị trấn Ea Pốk có hơn 80 hộ chuyên nghề trồng rau trên diện tích gần 30 ha, trong đó, HTX nông nghịêp - dịch vụ Toàn Thịnh có 52 xã viên trồng 18 ha rau an toàn theo chuẩn VtetGap, mỗi năm làm 9 vụ, cung ứng ra thị trường khoảng 650-1.000 tấn rau, củ các loại.

Nông dân làng rau Ea Pốk làm đất chuẩn bị xuống giống vụ rau tết.
Nông dân làng rau Ea Pốk làm đất chuẩn bị xuống giống vụ rau tết.

Rau tại đây được làm quanh năm, nhưng tết là vụ lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 3, 4 lần so với ngày thường. Rau làm ra không chỉ cung cấp tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh mà còn được thương lái đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ.

Cứ  vào đầu tháng 9 âm lịch, người dân làng rau lại tất bật với việc làm đất, xuống giống cho lứa rau vụ tết. Từ thời điểm này trở đi, các nhà vườn luôn phải bám sát thời vụ, theo dõi thời gian sinh trưởng của từng loại rau để điều chỉnh sao cho thu hoạch đúng vào dịp tết. Nhiều nhà vườn cho biết, rau bán dịp tết giá cả khó đoán, có năm được giá cao, tầm trên 20.000 đồng/kg, nhưng cũng có năm giá rẻ mạt, chỉ vài nghìn đồng/kg, song bù lại, nhờ lượng tiêu thụ nhiều nên không lo lỗ.

Theo nhiều hộ nông dân, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho vụ rau tết, bởi trời se lạnh, thỉnh thoảng có mưa và chuyển qua nắng ấm giúp cây rau sinh trưởng tốt. Các loại rau  xà lách, cải ngọt, su hào, bắp sú… được người dân ở đây trồng nhiều hơn cả, bởi đầu ra dễ dàng. Thông thường, rau lấy củ bao giờ cũng được xuống giống sớm nhất vì thời gian sinh trưởng dài ngày và nhu cầu tiêu thụ cũng sớm, khoảng đầu tháng chạp âm lịch là thị trường đã cần nguồn cung để làm dưa món dịp tết. Đối với su hào thì phải xuống giống trước tết hơn 2 tháng, cà rốt có chu kỳ sinh trưởng 90 ngày, dưa leo 80 ngày. Riêng các loại rau ăn lá xuống giống trễ hơn, cải ngọt 20-25 ngày, mồng tơi 30 ngày, rau xà lách khoảng 1 tháng trước tết.

Ông Đỗ Văn Khoan, Giám đốc HTX Nông nghiệp - dịch vụ Toàn Thịnh cho hay, cũng nhờ chú trọng khâu làm đất kỹ mà nhiều năm nay, rau làm ra ở HTX luôn được thị trường ưa chuộng. Cùng với đó, HTX cũng tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm đã có mặt tại nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh để đến với bếp ăn của đông đảo người tiêu dùng…

Làm vụ rau cuối cùng của năm cũ trên 1,5 sào đất, anh Trần Thanh Lương (tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk) chỉ ưu tiên trồng xà lách và su hào, vì theo anh, loại rau này không “kén” thời tiết và có sức tiêu thụ cao trong dịp tết. Thời điểm này, anh đang vệ sinh ruộng rau, phơi xới đất thật kỹ và lên luống thẳng hàng để tiến hành gieo hạt. Tương tự, trên diện tích gần 1 sào đất, chị Nguyễn Thị Cư (tổ dân phố Tân Tiến) hiện đang thu hoạch nốt phần rau cải ngọt, đậu cô ve để làm đất chuẩn bị cho vụ rau tết. Theo chị, giờ đã là cuối tháng 9 âm lịch, chị phải phơi ải, cho đất nghỉ 10-15 ngày  mới xuống giống, có như vậy lứa rau vụ tết mới đạt năng suất.

Theo kinh nghiệm của một số nhà vườn, khác với trước đây, trồng rau bây giờ chỉ gieo hạt trực tiếp trên luống, khi cây lên được hơn nửa gang tay thì tỉa bỏ bớt, chỉ để lại mật độ cây phù hợp, không cấy ra luống như trước đây.

Không chỉ chuẩn bị số lượng lớn, người trồng rau ở Ea Pốk cũng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, ưu tiên sản xuất rau an toàn để thu hút người tiêu dùng. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ… hầu như được hạn chế tối đa, thay vào đó, bà con tăng cường các biện pháp diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc bón phân sinh học. Để có những vụ rau tươi tốt thì khâu làm đất, phơi ải trước khi bước vào vụ mới luôn được bà con coi trọng. Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con luôn dành khoảng thời gian nhất định để bón vôi khử đất, phơi ải, cho đất nghỉ ngơi khoảng 10-15 ngày trước khi vào vụ mới. Cũng  theo chị Cư, dù chấp nhận bỏ đất trống một thời gian nhưng lại giúp diệt được vi khuẩn, sâu bệnh, giữ đất tơi xốp, khi xuống giống, cây sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng có trong đất tốt hơn. Điều này lý giải vì sao nhiều hộ dân ở đây hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà  cây rau vẫn lên xanh mượt và ít sâu bệnh.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc