Cần sớm xây dựng thương hiệu cho cá giống Đắk Lắk
Phát triển thủy sản tuy chưa phải là thế mạnh của Đắk Lắk nhưng là tỉnh đang dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về diện tích, sản lượng, đặc biệt là về sản xuất cá giống.
Theo Chi cục Thủy sản, tính đến hết tháng 11-2017, tổng diện tích nuôi trồng khoảng 9.775 ha; sản lượng thu hoạch khoảng 17.574 tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất, ương san cá giống, sản lượng cá bột đạt khoảng 900 triệu con, tăng 10 triệu con so với tháng 10-2017; sản lượng giống khoảng 50 triệu con, tăng 6 triệu con so với tháng trước, các đối tượng sản xuất chủ yếu: trắm, trôi, mè, chép, rô phi và chim trắng. Đắk Lắk trở thành là vùng sản xuất cá giống nước ngọt lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên, cung cấp một lượng lớn cá bột và cá giống cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực và các tỉnh miền Nam, với sản lượng khoảng trên 1 tỷ con cá bột và 50 tấn cá giống các loại.
Với lợi thế về nguồn nước, là hầu hết các ao, hồ san ương cá giống đều có mạch nước ngầm thông suốt nên môi trường các ao nuôi luôn sạch sẽ, cá giống khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Đặc biệt, khi thả nuôi thành cá thương phẩm, cá giống ở Đắk Lắk phát triển nhanh, năng suất đạt cao hơn cá ở các tỉnh khác, vì vậy rất được người dân khắp nơi ưa chuộng. Tuy nhiên, chính vì được thị trường ưa chuộng nên cá giống Đắk Lắk đang bị cá ở các tỉnh khác giả danh khiến nhiều hộ nuôi cá mua nhầm phải cá giống kém chất lượng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, san ương cá giống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Thủy sản, rất khó để phân biệt các loại cá giống sản xuất ở những nơi khác nhau (bởi chúng rất giống nhau), cũng không thể đóng dấu hàng hóa để truy suất nguồn gốc như các loại sản phẩm khác. Do đó, tỉnh cần sớm quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho cá giống Đắk Lắk để vừa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về thủy sản của tỉnh, vừa nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời thực hiện được các quyền bảo hộ cho cá giống Đắk Lắk, tránh được việc giả mạo như hiện nay.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc