Dưa hấu Ea Súp vào vụ Tết
Mặc cái nắng như đổ lửa, trên các cánh đồng của huyện vùng biên Ea Súp, người dân vẫn tất bật cho vụ mùa dưa hấu cuối cùng của năm 2017.
Dưa mất mùa, được giá
Trên các ruộng dưa hấu ở xã Ia R’vê, người dân tỉ mỉ chăm chút cho từng dây trồng. Với ưu điểm nhanh thu hoạch (chỉ tầm 3 tháng), có thể quay vòng nhiều vụ, nên rất nhiều người dân quê Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… lên Ea Súp để thuê đất trồng. Nói thì dễ, nhưng kỹ thuật chăm sóc loại cây này không hề đơn giản, chỉ riêng việc ngắt ngọn, sửa dây, tuyển trái, tưới nước… đã khiến người nông dân mất ăn, mất ngủ cả tháng liền.
Một cánh đồng dưa ở xã Ia R'vê. |
Vụ mùa này, mặc dù người dân đã chăm sóc rất kỹ, nhưng vì thời tiết bất lợi, mưa bão liên tục nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cây trồng và quả. Dù khó được mùa so với mọi năm, nhưng giá dưa đầu mùa như phần nào an ủi người dân. Các thương lái thường vào tận vườn, thu mua với giá từ 5 – 5,5 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm 7 – 8 nghìn đồng/kg.
Anh Lâm Văn Sáu, quê ở tỉnh Bình Định, từng có 3 năm thuê đất trồng dưa trên địa bàn xã Ia R’vê tâm tình, chỉ mong giá dưa giữ ở mức 5 nghìn đồng/kg là người trồng đã có lãi. Anh tính toán, vụ mùa này, gia đình anh thuê 3 ha đất trồng, tính cả tiền nhân công, giống, phân bón… cũng phải đầu tư trên 400 triệu đồng. Nếu mỗi ha thu được khoảng 40 tấn dưa thì anh có thể lãi được khoảng 200 triệu đồng. Thực tế, có những vụ mùa, giá dưa lên tới 12 nghìn đồng/kg, mang về cho gia đình một nguồn thu khá lớn, tuy nhiên cũng có những vụ giá rớt thảm hại, anh lủi thủi về quê với một gánh nợ lớn…
Anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Phú Yên) đến Ia R’vê thuê hơn 2 ha đất trồng dưa hấu. Hiện tại, anh vừa phấn khởi vừa nơm nớp lo lắng bởi bao năm nay vẫn vậy, giá dưa lên xuống thất thường, phụ thuộc nhiều vào thương lái, khiến có năm gia đình anh tưởng “trúng đậm” nhưng lại gần như mất trắng.
Cùng với vụ dưa sớm đang bắt đầu cho thu hoạch, các nhà nông còn tập trung nhân công để chăm sóc dưa, phục vụ thị trườngTết Nguyên đán. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia R’vê cho biết, hiện nay trên địa bàn trồng khoảng 200 ha dưa, tăng gấp đôi so với năm trước. Do người dân địa phương vẫn chưa tiếp thu được khoa học kỹ thuật nên trồng rất ít, đa phần đều do nông dân ở các tỉnh khác đến thuê đất để trồng.
“Đánh bạc” với dưa
Mỗi lần ra ruộng cùng các nhân công, anh Lâm Văn Sáu luôn nhắc nhở mọi người hết sức cẩn thận khâu chăm sóc. Vì dưa là loài cây nhạy cảm nên chỉ cần dập lá, để sâu bệnh, úng nước, tuyển trái không đạt… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sau này. Dưa không thể sinh trưởng được nếu thiếu nước tưới, nhưng nếu mưa liên tục, đặc biệt là vào kỳ thu hoạch, trái sẽ nhạt, thậm chí bị nổ do đẫy nước.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Ea Súp
|
Dưa hấu được trồng trên địa bàn Ea Súp khoảng 10 năm nay. Đấy cũng là ngần ấy thời gian mà người trồng nếm đủ mọi đắng cay, ngọt bùi mà loài cây này mang lại. Để có những cánh đồng dưa xanh bạt ngàn như bây giờ, người trồng dưa, đặc biệt là người dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lên thuê đất tại Đắk Lắk phải dựng chòi ngay bên ruộng, mỗi vụ canh dưa trong suốt 3 tháng liền; phải đào hố, lót bạt, tạo các bể đựng nước mưa dự trữ dùng sinh hoạt hằng ngày. Ngoài việc đôn đốc, hướng dẫn nhân công chăm sóc dưa, chủ vựa còn kiêm luôn công việc cơm nước, trồng các loại rau gần lán. Nhằm thích nghi với khí hậu, ngày mưa họ kéo bạt, khoanh kín chòi; ngày nắng, bụi thì vẩy nước liên tục lên nền nhà. May mắn, an ninh trên địa bàn xã Ia R’vê khá tốt, người dân cũng chân chất nên họ không phải lo mất đồ đạc, tài sản…
Tất bật với vụ mùa cuối cùng của năm 2017, điều người trồng dưa tại Ea Súp lo lắng, trăn trở nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Biết là dưa phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, mà trực tiếp là thị trường Trung Quốc, giá lên xuống thất thường, nhưng người nông dân không còn sự lựa chọn nào khác ngoài liều mình “đánh bạc” với dưa…
Người dân trên địa bàn xã Ia R’vê tất bật chăm sóc vụ dưa cuối cùng của năm 2017. |
Để vụ dưa hấu cuối năm đạt hiệu quả cao, Phòng NN – PTNT khuyến cáo bà con cần chú ý thời tiết, chăm sóc, tránh sâu hại, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên nghe ngóng thông tin thị trường.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc