Gian nan công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Krông Bông
Huyện Krông Bông có diện tích rừng lớn với hơn 70.400 ha, tuy nhiên để quản lý, bảo vệ diện tích này địa phương và các chủ rừng gặp không ít khó khăn trước nạn khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy.
Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin - đơn vị quản lý hơn 30.400 ha rừng nằm trên địa bàn huyện Krông Bông cho biết, một số diện tích rừng của đơn vị nằm gần khu vực dân cư có nguy cơ bị phá làm nương rẫy, khai thác gỗ rất cao, đặc biệt tại đoạn đường Đông Trường Sơn đi qua lâm phần của Vườn thuộc các Tiểu khu 1216, 1221 một số đối tượng còn chống đối lại lực lượng kiểm lâm chốt chặn. Đơn vị đã phải huy động tối đa lực lượng kiểm lâm Vườn cùng với hàng nghìn hộ dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng tổ chức nhiều đợt tuần tra truy quét trong ngày và dài ngày (từ 3 – 6 ngày), để ngăn chặn các hành vi phá rừng làm rẫy, săn bắt động vật và khai thác vận chuyển lâm sản trái phép. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức tuần tra rừng dài ngày 340 đợt và 1.728 đợt trong ngày. Qua đó phát hiện, xử lý 15 vụ vi phạm lâm luật; đuổi và trục xuất 319 đối tượng vào rừng trái phép; thu giữ 680 sợi dây bẫy các loại, 6 súng tự chế; phá 13 lán trại trái phép trong rừng… Bên cạnh đó, Vườn còn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tuần tra, xử lý hành vi vi phạm nên an ninh rừng cơ bản được giữ vững.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. |
Không riêng VQG Chư Yang Sin, hầu hết các chủ rừng ở trên địa bàn đều gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo ông Y Te B. Krông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, nguyên nhân là do trên địa bàn huyện tình trạng dân di cư tự do vẫn diễn ra, gia tăng nhanh dân số cơ học ở những khu vực gần rừng nên nhu cầu về đất sản xuất lớn dẫn đến tình trạng chặt phá rừng để làm nương rẫy. Đời sống của người dân ở gần rừng đa phần khó khăn, một bộ phận người dân còn sống phụ thuộc vào việc khai thác gỗ, săn bắn động vật rừng, hay khai thác các sản phẩm phụ của rừng. Rừng ở đây có nhiều loài lâm sản có giá trị cao nên bọn lâm tặc tìm nhiều cách để khai thác trái phép… Đây chính là “áp lực” mà những cánh rừng tự nhiên ở đây đang phải đối diện.
Huyện Krông Bông có 70.481,5 ha rừng, trong đó có 69.573,7 ha rừng tự nhiên, 907,8 ha rừng trồng. Những diện tích này hiện đang được giao cho VQG Chư Yang Sin; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông; hộ gia đình, cộng đồng thôn buôn và UBND xã, thị trấn quản lý bảo vệ. |
Đứng trước những nguy cơ làm ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên của địa phương, ngay từ đầu năm đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng, các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép… Kiểm lâm địa bàn cũng tích cực tham mưu cho UBND các xã có rừng tổ chức tuần tra, truy quét khi có dấu hiệu rừng bị xâm hại. Ngoài ra, lực lượng chức năng cùng với các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ rừng. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm lâm luật (giảm 7 vụ so với cùng kỳ), tịch thu 15,9 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền xử lý hơn 86 triệu đồng.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin tuần tra bảo vệ rừng. |
Bên cạnh một số kết quả đạt được, tình trạng phá rừng làm nương rẫy ở huyện Krông Bông vẫn diễn ra phức tạp, chỉ từ đầu năm đến nay đã có hơn 14,6 ha rừng bị phá. Trong khi đó việc thu hồi đất rừng bị người dân lấn chiếm rất nan giải, theo số liệu từ Phương án số 1842/PA-UBND ngày 1-9-2015 để xử lý vi phạm, thu hồi lại diện tích rừng bị phá và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng của UBND huyện Krông Bông thì địa phương có 17.060 ha rừng, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép, đến nay vẫn chưa thu hồi được.
Theo ông Y Te B. Krông, việc thu hồi diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng bị phá rất khó khăn vì nó sẽ làm xáo trộn đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là những hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số nên không thể làm ồ ạt được. Do đó, trong thời gian tới đơn vị cùng với các chủ rừng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ lán trại, thu hoạch hoa màu xong trả lại đất rừng lấn chiếm trái phép để phục hồi lại rừng. Cùng với đó sẽ triển khai thí điểm việc thu hồi một số diện tích để trồng lại rừng theo tinh thần Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc