Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ trồng cỏ nuôi bò của nông dân huyện Cư M'gar

09:14, 04/12/2017

Hiện nay, huyện Cư M’gar có tổng đàn gia súc hơn 60.000 con, trong đó có khoảng 14.550 con trâu, bò.

Do đồng cỏ chăn thả trong tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn xanh cho gia súc khan hiếm, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương đã tích cực khuyến khích, vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trồng cỏ phát triển chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tại các xã, thị trấn có đàn trâu, bò phát triển mạnh như các xã Cư M’gar, Ea Kpam, Ea Kiết, Ea H’đing, Ea Đrơng, Ea Tul, Cuôr Đăng và thị trấn Ea Pốk, nhiều hộ dân đã tận dụng đất vườn, rẫy, những khu đất trống, dốc, không bằng phẳng, các bãi ven ao, hồ, sông, suối, hoặc chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng cỏ phát triển chăn nuôi. Theo thống kê, diện tích đồng cỏ trên địa bàn huyện hiện khoảng 70 ha. Ngoài giống cỏ truyền thống, nhiều hộ đã mạnh dạn đưa giống cỏ lai VA06 có năng suất, chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao vào trồng.

Thực tế từ các hộ chăn nuôi cho thấy, cỏ dễ trồng, sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc và phân bón, chi phí đầu tư không đáng kể. Trồng cỏ kết hợp nuôi bò còn giúp giảm thiểu được công lao động dành cho việc chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Anh Nông Đàm Nhân (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) cắt cỏ cho bò.
Anh Nông Đàm Nhân (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) cắt cỏ cho bò.

Anh Nông Đàm Nhân (thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp) hiện nuôi 4 con bò (2 con bò mẹ, 2 con bê). Để bảo đảm nguồn thức ăn xanh cho đàn bò, từ năm 2012 đến nay anh đã chủ động trồng cỏ tại những chỗ trống trong vườn và rẫy, đồng thời tận dụng thêm các khoảnh đất trống ở địa phương, với tổng diện tích hơn 3 sào cỏ. Giống cỏ anh chọn trồng là VA06 - giống cỏ lai giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói của châu Mỹ cho năng suất và chất lượng cao. Anh cho hay: “Chỉ cần tưới đủ nước và phân thì cỏ có quanh năm, bình quân cứ 1,5 – 2 tháng có thể thu được 1 đợt cỏ. Giống cỏ này cũng rất giàu chất dinh dưỡng. Nhờ trồng cỏ, gia đình tôi đã chủ động được nguồn thức ăn cho đàn bò, cũng đỡ mất công hơn, buổi sáng cắt cỏ cho bò ăn, chiều chăn thả để bò vận động. Việc trồng cỏ còn giúp tránh được những rủi ro đáng tiếc như: bò ăn phải cỏ bị phun thuốc trừ sâu, nhẹ thì bò bị đau bụng, tiêu chảy, nặng thì sẽ bị chết”. Cũng theo anh Nhân, đã xác định nuôi bò thì người chăn nuôi nên nghĩ đến việc trồng cỏ, bởi nếu chỉ dựa vào nguồn cỏ tự nhiên và nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp thì sẽ không bảo đảm được thức ăn cho đàn bò. Bò được cho ăn đầy đủ sẽ phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt hơn so với hình thức chăn nuôi truyền thống.

Gần một năm nay, khi áp dụng mô hình trồng cỏ nuôi bò, dù với diện tích chỉ khoảng 400 m2, gia đình anh Y Rôn Niê (buôn Kana A, xã Cư M’gar) đã phần nào chủ động được nguồn thức ăn cho đàn bò 3 con của gia đình, không phải đi chăn thả cả ngày như trước đây. Thấy được hiệu quả của việc trồng cỏ, anh Y Rôn đang dự định mượn đất để mở rộng thêm diện tích trồng cỏ.

Dù thấy rõ hiệu quả từ việc trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi song trên thực tế không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện do thiếu đất, vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, nhiều hộ vẫn còn trồng những giống cỏ cũ chưa đem lại năng suất, hiệu quả cao. Để mở rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò, thiết nghĩ huyện Cư M’gar cần tăng cường tập huấn về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn bò… nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc