Multimedia Đọc Báo in

Cư Ni phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

09:28, 09/01/2018

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, xã Cư Ni, huyện Ea Kar đã phát huy quy chế dân chủ cơ sở, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Xác định việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Cư Ni đã ban hành các nghị quyết gắn việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; UBND xã đã xây dựng kế hoạch về nhu cầu vốn thực hiện các tiêu chí theo từng năm, giai đoạn, đồng thời phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách từng tiêu chí cụ thể và có trách nhiệm chỉ đạo cán bộ, công chức, các hội, đoàn thể, lực lượng công an, quân sự phối hợp thực hiện.

Cán bộ xã Cư Ni (bìa phải) thăm mô hình trồng tiêu của người dân trên địa bàn.
Cán bộ xã Cư Ni (bìa phải) thăm mô hình trồng tiêu của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã lồng ghép tuyên truyền, vận động thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn của các ngành, đoàn thể và hệ thống loa truyền thanh để toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn tham gia, bàn bạc và thực hiện nội dung, chương trình xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Cư Ni Phạm Duy Hùng cho hay: Xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, xã rất chú trọng phát huy vai trò làm chủ của người dân. Đối với những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn, xã chỉ đạo các thôn, buôn tổ chức họp dân, bàn bạc thống nhất công trình, hạng mục nào cần ưu tiên làm trước, thảo luận mức đóng góp, cách làm; thành lập tổ thu, chi tiền, giám sát công trình gồm những người có uy tín do người dân bầu chọn. Trên cơ sở đó, từng thôn, buôn đã có những cách làm hay, hiệu quả.

Người dân  xã Cư Ni chuyển đổi đất sình lầy sang trồng rau xanh hiệu quả.
Người dân xã Cư Ni chuyển đổi đất sình lầy sang trồng rau xanh hiệu quả.

 

 

 “Nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ cơ sở, xã Cư Ni đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng NTM: từ 6 tiêu chí (năm 2010), đến cuối năm 2017, xã đã đạt và cơ bản đạt 15 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, trên 86% hộ đạt gia đình văn hóa. Xã phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ cán đích NTM”.

 
 
Chủ tịch UBND xã Cư Ni Phạm Duy Hùng đánh giá

Đến thôn 10, đi trên những con đường cấp phối rộng thênh thang cho thấy bức tranh NTM đang dần hiện hữu. Theo Bí thư Chi bộ thôn 10 Nguyễn Đình Thắng thì đây là những công trình từ sức dân bởi đều do người dân đóng góp xây dựng. Sau khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn theo chuẩn NTM, chi bộ, ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể thôn đã tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến cách làm, mức đóng góp. Những hộ chưa “thông” tư tưởng, thôn thành lập đoàn đến vận động trực tiếp, phân tích lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Nhờ vậy, 158 hộ của thôn đã đồng tình đóng góp 1 triệu đồng/hộ, hiến 8.000 m2 đất, gần 200 trụ tiêu, di dời 600 m hàng rào và hàng trăm ngày công để làm cấp phối 3 km đường trục chính của thôn. Ngoài ra, người dân trong thôn còn đóng góp 210 triệu đồng xây dựng hội trường thôn và cổng thôn văn hóa. Chi bộ, Ban tự quản thôn còn vận động các mạnh thường quân lắp đặt đường điện chiếu sáng dài 2 km dọc theo đường trục chính giúp bộ mặt của thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Không chỉ ở thôn 10, tính đến cuối năm 2017, xã Cư Ni đã huy động người dân của 23 thôn, buôn đóng góp hơn 7,4 tỷ đồng, hàng chục ha đất, hàng nghìn ngày công lao động cùng với các nguồn vốn lồng ghép khác để làm mới, cải tạo, nâng cấp các công trình như: xây dựng cầu cống; cổng và 21 nhà sinh hoạt thôn, buôn; tường rào, sân bê tông trụ sở UBND xã và các thôn; xây dựng cơ sở vật chất trường học; trên 30 km đường trục xã, đường thôn, buôn và một số tuyến kênh mương nội đồng. Đồng thời xã đã phát động nhân dân đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, công trình phụ, nước sạch, thu gom rác thải, vệ sinh đường làng ngõ xóm…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.