Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân phát huy tốt vai trò làm chủ

08:14, 23/01/2018

Sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo vùng nông thôn Đắk Lắk đã có nhiều đổi thay, từ kết cấu hạ tầng đến đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn…

Nằm giữa cánh đồng đang vào mùa lúa chín, buôn Kpung (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) hiện ra hiền hòa trong nắng sớm với vóc dáng của một nông thôn hiện đại: những con đường bê tông sạch sẽ; những ngôi nhà khang trang…

Ông Y Dhăm Bdap, Bí thư chi bộ của buôn cho biết, Chương trình XDNTM như một cơn gió mát lành, không những làm thay đổi diện mạo của buôn mà còn làm thay đổi nhận thức của bà con trong buôn về vai trò, trách nhiệm của một người chủ thực sự trong XDNTM. Đơn cử như việc hiến đất làm đường, lúc đầu không ai đồng ý, nhưng sau khi được giải thích rõ ràng về mục đích, ý nghĩa của chương trình, cùng với việc gia đình ông tự nguyện hiến gần 2 sào đất nên bà con đã đồng tình làm theo. Đặc biệt, khi con đường trung tâm của buôn được hoàn thành, không còn chịu cảnh mưa lầy, gió bụi, việc lưu thông được dễ dàng nên bà con rất phấn khởi. Từ đó, khi có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Chương trình XDNTM, bà con đều tham gia rất tích cực, sẵn sàng hiến đất, phá bỏ cây cối, tường rào để làm đường, làm kênh mương thủy lợi… Đến thời điểm này, các tiêu chí nông thôn mới được buôn thực hiện khá tốt, đặc biệt là tình hình an ninh, trật tự xã hội rất ổn định, lực lượng thanh niên chăm lo làm ăn, không rượu chè, quậy phá… 

Người dân làm đường nông thôn mới trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Người dân làm đường nông thôn mới trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Theo Ban chỉ đạo XDNTM xã Hòa Hiệp, xã phấn đấu cán đích nông thôn mới trong năm 2017, chính vì vậy việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân rất quan trọng để hoàn thành các tiêu chí trên cơ sở huy động tốt nội lực và sức sáng tạo trong dân. Trong 6 năm qua, ngoài 46,2 tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp thêm 9,8 tỷ đồng, hiến 10.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Đến cuối năm nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí và dự định bước sang năm mới Xuân Mậu Tuất 2018, xã sẽ đón quyết định của tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Cư Kuin.

Cũng với quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2017, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar) đang phát huy tối đa nội lực để hoàn thành các tiêu chí. Ông Võ Sỹ Tùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay khi bắt tay thực hiện chương trình, Ban chỉ đạo XDNTM của xã đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể, các ban tự quản thôn để các hộ tự nguyện đăng ký thực hiện từng nội dung, tiêu chí cụ thể như: hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm giao thông nông thôn, thủy lợi; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Từ khi thực hiện XDNTM đến nay, nhân dân xã Ea Mnang đã đóng góp 4,22 tỷ đồng, chiếm 14,1% trong tổng nguồn vốn đầu tư XDNTM toàn xã để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo và hộ cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, xã có 72 hộ nghèo chiếm 3,95% so với tổng số hộ, giảm 0,95 % so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 28 triệu đồng/năm.

Không chỉ riêng xã Hòa Hiệp, Ea Mnang mà còn rất nhiều xã trong tỉnh cũng có những cách làm hay, sáng tạo, huy động cao nhất nguồn lực trong dân để XDNTM. Theo Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, sau 7 năm nỗ lực thực hiện Chương trình, nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đóng góp được trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Riêng năm 2017, nhân dân đã đóng góp trên 98 tỷ đồng, 26.000 ngày công lao động, hiến hơn 87.000 m2 đất để làm mới trên 113km đường bê tông, 89 km đường cấp phối; nâng cấp, sửa chữa trên 91 km đường thôn, xóm; làm mới trên 10 km kênh mương cùng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu khác…

Ông Y Dhăm Bdap, Bí thư Chi bộ buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (bìa trái) nói về việc người dân  hiến đất làm đường.
Ông Y Dhăm Bdap, Bí thư Chi bộ buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin (bìa trái) nói về việc người dân hiến đất làm đường.

Những kết quả trên đã góp phần giúp các xã thực hiện thành công các tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn như giao thông, thủy lợi. Song điều đáng mừng hơn, thông qua các phong trào XDNTM đã làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn trong tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, các mô hình sản xuất phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 30 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 19,7% kế hoạch; 11 xã đạt từ 17-18 tiêu chí, 21 xã đạt 15-16; 13 xã đạt 13-14; 34 xã đạt 10-12; 43 xã đạt 5-9 tiêu chí. Toàn tỉnh ước đạt 1.854/2.888 tiêu chí, bằng 64,4%, tăng 50 tiêu chí so với cuối năm 2016.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.