Multimedia Đọc Báo in

Khuyến nông huyện Cư Kuin đồng hành cùng nông dân

11:01, 20/01/2018

Với vai trò cầu nối đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với nông dân, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, góp phần giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế.

Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật

Để giúp người nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, lạc hậu sang đa cây đa con, biết áp dụng tiến bộ KHKT…, những năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin đã tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ KHKT mới. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện luôn chú trọng phổ biến kỹ thuật chọn cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng; cách phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Riêng năm 2017, Trạm đã tổ chức 28 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi tại các xã với 905 lượt người tham gia, chủ yếu tập huấn về quy trình tái canh cà phê; kỹ thuật luân canh ngô lai trên chân ruộng bấp bênh nguồn nước; nuôi dê cái sinh sản; nuôi trồng nấm…

Mô hình tưới nước tiết kiệm trong vườn tiêu của hộ ông Đinh Văn Huynh ở buôn Ea B’Hôk, xã Ea B’Hốk.
Mô hình tưới nước tiết kiệm trong vườn tiêu của hộ ông Đinh Văn Huynh ở buôn Ea B’Hôk, xã Ea B’Hốk.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, hằng năm, Trạm còn xây dựng các mô hình điểm về giống cây trồng, vật nuôi mới để nông dân học tập và từng bước nhân rộng. Phương châm là đào tạo cho nông dân trên thực tế đầu bờ, đầu chuồng, gắn lý thuyết với thực hành nhằm để giúp họ chủ động trong việc giải quyết các vướng mắc, tự đưa ra các quyết định lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Trong năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng và triển khai thành công 10 mô hình theo chuỗi giá trị trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.

Theo ông Minh, thông qua việc khảo nghiệm đưa các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện địa phương vào canh tác đã giúp nông dân ngày càng tin tưởng và nhân rộng các mô hình. Đến nay trên địa bàn huyện có trên 85% số hộ đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nhiều mô hình hiệu quả

Mới đây, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá rô đồng quy mô 1.000 m2 tại hộ ông Nguyễn Văn Phương, ở thôn 24, xã Ea Ning. Tham gia mô hình từ tháng 7-2017, ông Phương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 10.000 con cá giống, 50% chi phí thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật nuôi. Sau 3 tháng, đàn cá sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng thu hoạch đạt 6 - 8 con/kg. Theo ông Phương với giá bán hiện nay 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư ông thu được khoảng 35 triệu đồng. Tại buổi hội thảo, bà con nông dân đánh giá đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đến nay đã có 5 hộ trong xã mua cá rô đồng giống về nuôi, nhân rộng mô hình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (bìa trái) thăm mô hình trồng tiêu của gia đình bà Trần Thị Tuyết ở thôn 6, xã Ea Bhốk.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (bìa trái) thăm mô hình trồng tiêu của gia đình bà Trần Thị Tuyết ở thôn 6, xã Ea Bhốk.

Một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả cần được nhân rộng là mô hình nông - lâm kết hợp trên đất đồi tại buôn Ea Tlă, xã Dray Bhăng. Khu vực này có tầng đất nông, thiếu nước, rất khó canh tác các loại cây truyền thống như cà phê, tiêu. Với quy mô 1 ha, huyện Cư Kuin trích ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng, người dân tự đóng góp trên 50 triệu đồng, tháng 8-2017, Trạm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn người dân trồng cây đinh lăng và làm giàn để xuống giống gấc. Người dân còn đầu tư lắp đặt thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt và trồng xen các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng để tạo cây che bóng, tránh thất thoát nước.

 
“Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng xen tiêu, sầu riêng, bơ trong rẫy cà phê với diện tích lớn, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.”
 
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin

Theo đánh giá ban đầu, các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt. Nhiều hộ dân khác có đất trong khu vực này cũng đang triển khai nhân rộng mô hình. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã liên hệ với người dân để bao tiêu đầu ra cho cây đinh lăng và gấc.

Bà Trần Thị Tuyết ở thôn 6, xã Ea Bhốk cho hay, gia đình bà có 6 sào cà phê già cỗi năm. Năm 2010, sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật xen canh cây trồng trong rẫy cà phê do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, bà mạnh dạn vay 7 triệu đồng mua giống tiêu về trồng. Nhờ chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật, sau 3 năm, vườn tiêu bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Nếu như trước đây vườn cà phê chỉ cho gia đình bà thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm thì với việc trồng xen tiêu, gia đình bà đã có lãi trên 200 triệu đồng/năm.

 Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Minh, 100% mô hình điểm do Trạm Khuyến nông huyện thực hiện đều bảo đảm đúng tiến độ, thời vụ, gắn với tiềm năng, lợi thế sản phẩm của địa phương và đạt hiệu quả cao, giúp các hộ tham gia mô hình tăng thu nhập từ 12 - 15% trên cùng một diện tích, quy mô so với sản xuất truyền thống.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.