Multimedia Đọc Báo in

Liên kết giúp nhau phát triển kinh tế

06:18, 19/01/2018

Để giải quyết bài toán thiếu vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, một số đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc đã cùng liên kết, hỗ trợ giúp nhau lập nghiệp.

Trước thực tế một số ĐVTN gặp khó khăn trong việc vay vốn làm ăn, năm 2012, anh Phan Thanh Thắng, nguyên Bí thư Chi đoàn thôn Phước Trạch 2 (xã Ea Phê) đã nảy ra ý tưởng vận động ĐVTN, cán bộ đoàn cơ sở thành lập Nhóm thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Ban đầu, nhóm có 7 người tham gia, mỗi người đóng góp 5 triệu đồng cho thanh niên khó khăn nhất vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. 1 năm sau, người vay sẽ phải hoàn trả vốn để xoay vòng cho đối tượng khác. Năm 2015, nhóm phát triển thành Câu lạc bộ Tường Minh gồm 10 thành viên và đến nay đã thành lập Hợp tác xã Tường Minh để cùng giúp nhau về vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất; phát triển các mô hình nuôi dê, bò; cung ứng giống cây trồng các loại và thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Hợp tác xã Tường Minh đang nỗ lực phát triển rau bắp sú thành một trong những sản phẩm chủ lực.
Hợp tác xã Tường Minh đang nỗ lực phát triển rau bắp sú thành một trong những sản phẩm chủ lực.

Năm 2015, anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Phước Lộc 2 tham gia Câu lạc bộ Tường Minh và được cho vay 35 triệu đồng để đầu tư nuôi 8 con dê. Sau một thời gian, đàn dê của anh đã phát triển lên 30 con. Năm 2017, anh Thắng lại được cho vay thêm 5 triệu đồng để trồng cỏ chăn nuôi bò. Anh Thắng phấn khởi: “Trước đây vì thiếu vốn nên gia đình tôi không thể phát triển chăn nuôi. Từ khi được câu lạc bộ hỗ trợ cho vay vốn, kinh tế gia đình khá hơn hẳn. Chỉ riêng đàn dê, trung bình mỗi năm cũng đã cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”...

Không chỉ hỗ trợ các thành viên, Hợp tác xã Tường Minh còn tích cực giúp đỡ nhiều hộ nông dân phát triển sản xuất. Đơn cử như gia đình ông Lê Văn Thế ở thôn Phước Thọ 2. Năm 2015, gia đình ông đầu tư trồng 3 sào rau các loại. Tuy nhiên, do không có đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, ông Thế đã liên kết với Hợp tác xã Tường Minh và được hỗ trợ 2 triệu đồng tiền giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn và cam kết bao tiêu sản phẩm… Ông Thế cho hay, nhờ liên kết với hợp tác xã nên không còn lo lắng về đầu ra của sản phẩm, chỉ cần trồng và chăm sóc đúng quy trình, đến ngày thu hoạch, hợp tác xã sẽ cho xe vào tận nơi thu mua. Ông Thế nhẩm tính, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình ông sẽ thu hoạch được khoảng 7-8 tấn rau với giá trung bình 5.000 đồng/kg…

 

“Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ phát triển các sản phẩm chủ lực gồm: bắp sú, dưa leo, mướp đắng, khoai lang theo chuỗi giá trị gia tăng và tham gia giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ nhằm từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các xã viên, nông hộ tham gia liên kết”. 

 
 
Anh Ngô Đình Quyền, Giám đốc Hợp tác xã Tường Minh

Anh Ngô Đình Quyền, Giám đốc Hợp tác xã Tường Minh cho biết, để có thể phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hợp tác xã Tường Minh đã chủ động liên kết với Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và một số công ty cung ứng hạt giống trên địa bàn tỉnh cung cấp giống cây trồng các loại bảo đảm chất lượng cho người dân. Với mục tiêu sản xuất rau an toàn, Hợp tác xã đã phân công mỗi thành viên chịu trách nhiệm một giống rau phù hợp thổ nhưỡng từng địa bàn và trực tiếp canh tác, đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn lại cho người dân có nhu cầu để cùng liên kết giúp nhau phát triển kinh tế. Hợp tác xã cũng cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và người dân trong vùng. Ngoài địa bàn xã Ea Phê, hiện Hợp tác xã đã mở rộng hoạt động sang địa bàn xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc) và một số xã của huyện Ea Kar.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Phê, Hợp tác xã Tường Minh đã tạo điều kiện cho ĐVTN cũng như nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong ĐVTN trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc duy trì mô hình liên kết phát triển kinh tế này sẽ góp phần giúp các tổ chức cơ sở Đoàn thu hút, tập hợp được ĐVTN tham gia sinh hoạt Đoàn…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.