Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ea Súp
Nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã và đang được Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 phối hợp thực hiện trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Thiếu tá Đỗ Văn Nhuần, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 chia sẻ, những năm qua, đơn vị đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp triển khai các dự án nuôi, trồng khảo nghiệm phát triển nông nghiệp trên vùng biên có khí hậu khắc nghiệt. Cụ thể: triển khai dự án trồng khảo nghiệm cây khoai lang, khoai mì làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và cồn công nghiệp với đối tác là Công ty TNHH TMDV Phương Nam Xanh; dự án phát triển trang trại tổng hợp (chanh dây, khoai mì, bí đỏ, đậu xanh…) với đối tác là Công ty TNHH TMDV Thượng Phú; dự án trồng cây cao lương với đối tác là Công ty Công nghiệp điện hơi Tín Thành; dự án trồng chuối xuất khẩu, cây có múi và trang trại chăn nuôi với đối tác Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng… Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc hiện đại nên đa phần các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó có những cây trồng đã cho năng suất, chất lượng cao.
Dự án trồng ca cao xen chuối của Công ty CIC. |
Trái với khí hậu khô cằn vốn có trên địa bàn Ea Súp, dự án liên kết trồng khảo nghiệm chuối Nam Mỹ của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng vẫn phát triển rất tốt. Là loại cây trồng vốn phù hợp với thổ nhưỡng của vùng biên, lại được áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel nên dù mùa khô, hơn 50 ha chuối Nam Mỹ vẫn được cung cấp nước tưới đầy đủ. Sau hơn 1 năm trồng, chuối Nam Mỹ vươn xanh trên đất cằn, hiện đã cho thu hoạch với sản lượng đạt 25 tấn/ha. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...
Ấn tượng hơn cả là dự án trồng ca cao xen chuối do Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 liên kết với Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) thực hiện. Trong điều kiện bất lợi về thời tiết, đất đai, CIC đã mất hơn 1 năm cùng các chuyên gia Israel nghiên cứu, tìm hiểu về thuận lợi, khó khăn đồng thời tìm ra giải pháp khắc phục, đó là lựa chọn công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ; trồng xen chuối với ca cao nhằm lấy ngắn nuôi dài, che bóng và chắn gió cho ca cao.
Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, do chính chuyên gia Israel thiết kế và giám sát lắp đặt, dự án trồng cây ca cao và chuối của CIC đã bước đầu cho những kết quả khả quan. Sau hơn 1 năm chăm sóc, hơn 140 ha cây trồng hiện đang sinh trưởng tốt, riêng chuối đã bắt đầu cho thu hoạch và xuất khẩu qua Hàn Quốc. Đây là thị trường nổi tiếng khắt khe về chất lượng song đã có những đánh giá tốt về mặt hàng chuối của CIC trong các chỉ tiêu chất lượng nông sản sạch, thành phẩm mẫu mã và quy cách đóng gói bảo quản rất kỹ lưỡng, đáp ứng mọi điều kiện vận chuyển, khí hậu thời tiết.
Dự án trồng chuối Nam Mỹ của Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng. |
Trên cơ sở những thành công ban đầu, năm 2017, dự án trồng ca cao xen chuối đã được CIC mở rộng diện tích trồng thêm 200 ha và nhân rộng ra một số nông hộ tại địa phương. Những năm tới, CIC đặt mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10 nghìn tấn... Đối với cây chuối, dự án đã có hệ thống sơ chế, đóng gói xuất khẩu và đã xây dựng thương hiệu với biểu tượng hình con voi của Tây Nguyên. Còn với ca cao, những năm đầu dự án sẽ xuất khẩu hạt khô, khi sản lượng đủ lớn sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu tại địa phương…
Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi tình hình phát triển của các dự án. Khi có đánh giá sơ bộ về hiệu quả, chất lượng, đơn vị sẽ phối hợp với doanh nghiệp để có những hỗ trợ cụ thể cho người dân phát triển các loại cây trồng, mở rộng mô hình sản xuất, qua đó tạo công ăn việc làm, đồng thời giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc