Multimedia Đọc Báo in

Thận trọng khi mở rộng diện tích trồng nghệ, gừng dược liệu

08:31, 22/01/2018

Bên cạnh những cây trồng chủ lực như mía, hồ tiêu, cà phê, gần đây nhiều địa phương trên địa bàn huyện M’Đrắk đã đầu tư trồng gừng, nghệ làm nguyên liệu chế biến dược liệu, mở ra hướng phát triển mới.

Gia đình bà Lê Thị Cảnh (thôn 11, xã Ea Pil) có hơn 3 ha đất sản xuất. Gần đây, nhận thấy nghệ là loại cây dễ trồng, không kén đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình bà quyết định đầu tư 30 triệu đồng mua 2 tấn nghệ đỏ giống về trồng.  Hiện nay, 2 ha nghệ của gia đình phát triển tốt, tỷ lệ sống gần như 100%; nếu chăm sóc tốt, sau 9-12 tháng năng suất ước đạt 20-25 tấn/ha. Với giá hiện nay là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Cảnh có thể thu lãi được vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây như sắn, ngô. Nhằm bảo đảm đầu ra ổn định, gia đình bà đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Dược liệu Vinaco.

Nông dân  xã Cư Prao (M'Đrắk)  đang thu hoạch gừng, nghệ.
Nông dân xã Cư Prao (M'Đrắk) đang thu hoạch gừng, nghệ.

Hiện nay, không chỉ gia đình bà Cảnh, nhiều hộ nông dân huyện M’Đrắk đang đổ xô trồng nghệ vì thấy hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ đăng ký diện tích trồng và bao tiêu sản phẩm với công ty dược liệu, vẫn còn nhiều hộ dân trồng tự phát, mở rộng ồ ạt diện tích cây nghệ khiến nhiều địa phương lo lắng. Ông Nhữ Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Cư Prao cho biết: “Trong năm 2017, giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp nên nông dân trên địa bàn xã đã chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như: nghệ, gừng, khoai lang… Đặc biệt, diện tích các loại cây gừng, nghệ tăng rất nhanh. Thống kê sơ bộ, nông dân trên địa bàn xã đã trồng hơn 400 ha gừng, nghệ. Trước tình hình đó, UBND xã đã khuyến cáo bà con không nên trồng theo phong trào, những gia đình đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc có thị trường đầu ra ổn định mới phát triển diện tích. Bên cạnh đó, bà con cần chú trọng khâu chọn giống, tránh mua giống trôi nổi trên thị trường dẫn đến thiệt hại về kinh tế”.

Theo thống kê, trong năm 2017, nông dân huyện M’Đrắk đã trồng hơn 500 ha nghệ, gừng. Một số xã có diện tích nghệ, gừng tự phát cao như Cư Prao trên 400 ha, Ea Pil trên 20 ha, Krông Á trên 10 ha…

Thiết nghĩ, bên cạnh những cây trồng chủ lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tìm ra những hướng phát triển kinh tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần kịp thời định hướng, quy hoạch, hướng dẫn người dân trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tránh tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích mà không bảo đảm đầu ra, dẫn đến thiệt hại cho nông dân.

Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.