Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt kiểm soát chặt hàng hóa sau Tết

15:47, 28/02/2018

Với mục đích ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh trước, trong và sau tết Nguyên đán 2018, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang tích cực triển khai nhiều biện pháp, kiểm soát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Theo Chi cục QLTT tỉnh, nhu cầu mua sắm dịp này vẫn đang tăng lên nên công tác kiểm soát thị trường luôn được đơn vị quan tâm chú trọng. Đặc biệt, do kỳ nghỉ Tết dài ngày, số hộ kinh doanh còn chưa nhiều nên tình trạng gian lận thương mại, cố ý tăng giá quá mức, đẩy giá lên cao để thu lợi nhuận bất chính rất dễ xảy ra. Chi cục đã phân công các đội phụ trách địa bàn các huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, nhà hàng ăn uống về việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, ngăn chặn tình trạng sử dụng, buôn bán hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Trong đó, chú trọng kiểm tra tại các xã vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nơi mà nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế.

Hàng hóa vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu.
Hàng hóa vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện, tịch thu.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dịp Tết vừa qua, tình hình mua bán trên thị trường tỉnh diễn ra sôi động, nhưng sức mua không bằng mọi năm. Nguồn hàng phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng, hàng nhập lậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra và trà trộn vào thị trường để tiêu thụ dịp trước Tết. Cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và sức khỏe người tiêu dùng. Theo thống kê, chưa đầy 2 tháng (từ ngày 3-1 đến 20-2), Đoàn liên ngành thường trực 389 của tỉnh và Chi cục QLTT tỉnh đã phát hiện 114 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 500 triệu đồng. Trong đó, hàng hóa tịch thu chủ yếu là hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu với số lượng lớn như 1.402 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 628 kg đường; trên 150 kg thực phẩm sấy khô, 850 gói khô mực, rong biển; 8.200 bộ bài lá, 5.560 gói bánh, kẹo các loại...

Đáng chú ý, dịp Tết năm nay cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển pháo từ các tỉnh ngoài tràn vào tiêu thụ trên địa bàn. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ tháng 12- 2017 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 32 vụ, 34 đối tượng, thu giữ 961 kg pháo các loại.

Kiểm tra việc bày bán bánh kẹo Tết tại cửa hộ kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Đ. Lan
Kiểm tra việc bày bán bánh kẹo Tết tại cửa hộ kinh doanh ở thị xã Buôn Hồ.

Ông Trần Văn Hải, Đội trưởng đội QLTT số 4 cho hay, đa số vụ vi phạm đều có điểm xuất phát từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc, vận chuyển bằng xe khách, xe tải và được cất giấu kỹ lưỡng trong gầm xe, mui xe hoặc trà trộn vào trong hàng hóa khác hòng qua mặt lực lượng chức năng. Điển hình như vào rạng sáng ngày 29-1 tại Km 640 Quốc lộ 14, Đội QLTT số 4 phối hợp với Trạm Cảnh sát Giao thông Krông Búk (thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất xe khách mang BKS 47A-201.48 do tài xế Y Wớt Buôn Yă (trú tại TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có vận chuyển 5 kg pháo hiệu con gà. Kết quả giám định tại phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh kết luận đây là pháo nổ. Hiện vụ việc đang chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Mới đây nhất, ngày 24-2, từ nguồn tin báo, tổ công tác của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) đã phát hiện xe ô tô  mang BKS 49A-190.72  (lưu thông hướng Gia Lai - Đắk Lắk) vận chuyển 28 kg pháo dây, pháo hoa và 32 chai rượu ngoại không rõ nguồn gốc. Bà Đào Thị Mỳ (trú tại tỉnh Lâm Đồng) khai nhận, số pháo trên được mua ở Kon Tum dùng để làm “quà biếu” và sử dụng. Vụ việc đang tiếp tục được chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định...

Trên thực tế, nhờ sự vào cuộc kiểm tra, kiểm soát quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng hàng giả, nhái, gian lận thương mại... trong dịp Tết đã phần nào được hạn chế đáng kể so với mọi năm. Theo đánh giá  của Chi cục QLTT tỉnh, thời điểm này, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa trên thị trường vẫn đang được kiểm soát tốt, nhất là ở lĩnh vực giá, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn các hành vi cố ý buôn bán hàng hết hạn sử dụng, thực phẩm không rõ nguồn gốc sau Tết. Đặc biệt là trên khâu lưu thông, hàng hóa vi phạm thường tuồn về từ các tỉnh khác vào để tiêu thụ trên địa bàn, trong khi lực lượng QLTT lại không có chức năng dừng phương tiện để kiểm tra. Do vậy, Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các ngành liên quan để từng bước đẩy lùi vấn nạn trên. Riêng đối với các hành vi vi phạm, đơn vị đã tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.