Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ chăm sóc mai sau Tết

06:12, 03/03/2018

Sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” trong những ngày Tết, hoa mai cần được chăm sóc, nuôi dưỡng để năm sau lại khoe sắc. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã đem mai gửi các nhà vườn chăm sóc, để Tết năm sau “rước” về chưng.

Nhu cầu tăng mạnh

 Những ngày này, gia đình ông Vũ Bá Thịnh (thôn 2, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) tất bật cho nhân công, xe tải rong ruổi khắp các phường, xã trên địa bàn thành phố để vận chuyển mai của khách hàng về vườn nhà chăm sóc, nuôi dưỡng. Với kinh nghiệm 30 năm trồng mai và có hơn 10 năm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng mai nên vườn của gia đình ông Thịnh luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng có nhu cầu. Ông Lê Thái Thanh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, sau khi chưng Tết xong, tôi đều mang cây mai của gia đình đến đây nhờ chăm sóc. Do được chăm sóc chu đáo, kỹ thuật tạo dáng chuyên nghiệp nên mai nở rất đẹp, đúng thời điểm. Năm nào cũng có mai để chưng Tết mà chỉ tốn một ít chi phí”.

Ông Vũ Bá Thịnh (thôn 2, xã Hòa Xuân) đang cắt, tỉa những chậu mai  mà khách gửi chăm sóc.
Ông Vũ Bá Thịnh (thôn 2, xã Hòa Xuân) đang cắt, tỉa những chậu mai mà khách gửi chăm sóc.

Ông Thịnh cho biết, từ mùng 10 tháng Giêng đến nay, gia đình ông đã nhận trên 500 chậu mai của các khách hàng đem đến nhờ chăm sóc. Đa phần trong số đó là những khách quen biết, ngoài ra còn rất nhiều người mang mai đến nhờ chăm sóc nhưng ông không dám nhận vì không còn chỗ để. Chi phí chăm sóc mỗi cây mai dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng. Với những cây mai lớn, có thế đẹp thì giá chăm sóc khoảng gần 10 triệu đồng hoặc tính theo giá trị của cây. Tương tự, gia đình anh Trần Văn Tuấn (thôn 4, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang hối hả cắt hoa, tỉa cành cho mai mà khách đem đến gửi. Dịp Tết Mậu Tuất 2018, gia đình anh bán ra thị trường gần 600 chậu mai các loại. Sau những ngày khách chưng Tết, đến thời điểm này, vườn của gia đình anh đã tiếp nhận hơn 300 chậu mai của khách gửi. Với giá chăm sóc dao động khoảng 700.000 đồng đến 6 triệu đồng/cây, “hứa hẹn” mang lại cho chủ vườn một khoản thu nhập không hề nhỏ.

Công việc không hề đơn giản

Là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong việc chăm sóc mai, anh Tuấn cho hay, công việc này không hề đơn giản mà rất kỳ công. Nhiều người chơi mai không chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách, kỹ thuật nên sau khi chưng tết xong cây thường bị suy yếu, héo rũ, khả năng phục hồi rất khó.

Khách hàng đem mai đến vườn nhờ ông Vũ Bá Thịnh chăm sóc.
Khách hàng đem mai đến vườn nhờ ông Vũ Bá Thịnh chăm sóc.

Theo các nhà vườn, công việc chăm sóc, dưỡng mai khá tỉ mỉ, công phu và tốn nhiều chi phí nên phải thực sự yêu nghề, có nhiều kinh nghiệm thì mới làm được. Sau khi nhận các chậu mai từ khách hàng về đến vườn là phải bắt tay vào chăm sóc ngay. Công đoạn đầu tiên là phải ngắt hoa, tỉa cành, tỉa hoa búp còn sót lại trên cây để mai phục hồi sau thời gian “căng sức” nuôi hoa cho khách chưng Tết. Sau đó phải thay đất, tỉa rễ, bỏ phân, tưới nước… để cây có sức phục hồi. Đến khoảng tháng 8 âm lịch là công đoạn uốn cành mai để tạo dáng, thế. Gần Tết thì lặt bỏ lá, bón phân vi sinh, hữu cơ, vô cơ… để mai nở hoa đúng dịp Tết.

Mặt khác, do có rất nhiều giống mai (Thủ Đức, Bình Định, mai trắng, phúc lộc, Phú Yên…) nên phải nắm rõ đặc điểm của từng loại để có biện pháp chăm sóc, dưỡng cho phù hợp. Trong quá trình chăm sóc, nếu chẳng may mai bị chết hoặc mất trộm thì nhà vườn phải bồi thường cho khách hàng. Nếu mai không nở đúng vào dịp Tết thì chủ vườn phải chọn những cây mai tương tự để “đền bù” cho khách hàng mang về chưng, chơi mà không phải mất tiền.

Công việc không đơn giản, song việc chăm sóc mai đem lại cho các chủ vườn một khoản thu nhập đáng kể và tạo việc làm cho một số lao động phổ thông tại địa phương. Tuy nhiên, không phải chủ vườn nào cũng hào hứng nhận chăm sóc, dưỡng mai, bởi loại cây này phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, cũng như dễ sâu bệnh. Nhiều cây mai sau một năm chăm bẵm, vào dịp Tết lại không nở hoa, hoặc hoa không đẹp thì coi như lỗ vốn, công sức, thời gian bỏ ra thành công cốc…     

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.