Các chỉ số cạnh tranh trước nguy cơ tụt hậu
Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính công. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hàng loạt chỉ số có tính chất cạnh tranh, tạo động lực phát triển của tỉnh lại đang “tụt dốc”.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố một số Chỉ số cải cách hành chính (Chỉ số Par Index) năm 2017. Theo đó, mặc dù Chỉ số Par Index của tỉnh tăng 1,95 điểm, nhưng lại giảm 17 bậc về thứ hạng so với năm 2016, hiện xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố do nhiều nội dung đánh giá bị mất điểm. Trong đó, nội dung hiện đại hóa hành chính có số điểm mất cao nhất (mất 7,14/16 điểm). Kế đến là các nội dung như xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (mất 4,88/16 điểm); công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (mất 4,5/10 điểm); cải cách tổ chức bộ máy hành chính (mất 2,77/11 điểm); cải cách tài chính công (mất 1,96/7 điểm); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh (mất 1,84/10 điểm); đánh giá tác động của cải cách hành chính (mất 1,54/15,5 điểm); cải cách hành chính (mất 0,01/14,5 điểm).
Cán bộ Chi cục Hải quan TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu. |
Đáng lo ngại nhất là chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2017 của Đắk Lắk đã giảm mạnh và nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất. Cụ thế, Chỉ số PAPI năm 2017 của tỉnh là 34,64 điểm, giảm 1,01 điểm, tụt 22 bậc so với năm 2016 và xếp 55/63 tỉnh, thành phố. Trong các nội dung đánh giá, chỉ có 2 nội dung tăng điểm là “Cung ứng dịch vụ công” tăng 0,22 điểm, đạt 7,0 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp và nội dung “Thủ tục hành chính công” tăng 0,07 điểm, đạt 7,24 điểm, thuộc nhóm trung bình cao. Các nội dung còn lại đều bị giảm điểm, gồm nội dung “Kiểm soát tham nhũng” giảm 0,4 điểm, đạt 5,2 điểm, thuộc nhóm thấp nhất; nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” giảm 0,58 điểm, đạt 5,21 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp; nội dung “Công khai minh bạch” giảm 0,32 điểm, đạt 5,17 điểm, thuộc nhóm thấp nhất; nội dung “Trách nhiệm giải trình” giảm 0,01 điểm, đạt 4,82 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp.
Sự tụt giảm các chỉ số đang đặt ra nguy cơ tụt hậu của Đắk Lắk so với các địa phương khác, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, bởi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn rất quan tâm đến các chỉ số này. |
Các chỉ số trên của tỉnh giảm sâu đã phần nào phản ánh công tác cải cách hành chính của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, chứng tỏ nỗ lực của cấp quản lý, điều hành là chưa đủ mà phải có sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành. Chẳng hạn, đối với Chỉ số Par Index, nội dung hiện đại hóa hành chính có số điểm mất cao nhất lại là một trong những nội dung được UBND tỉnh triển khai quyết liệt. Theo đó, thực hiện tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, đến nay UBND tỉnh đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng theo báo cáo của Sở Thông tin – Truyền thông, đến nay mới có 22/34 đơn vị công bố thủ tục hành chính tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Trong khi đó việc thực hiện dịch vụ công trên hệ thống IGate (hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông) ở nhiều sở, ngành, địa phương cũng đang rất chậm.
Người dân làm thủ tục tại bộ phận Một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột. |
Đối với Chỉ số PAPI, các nội dung đánh giá của chỉ số này dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được được xây dựng trên triết lý coi người dân như “khách hàng” của cơ quan công quyền, có đủ năng lực giám sát và đánh giá tính hiệu quả của quản trị và hành chính công ở địa phương. Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của “khách hàng” đối với các “sản phẩm” của toàn bộ quá trình “sản xuất” của bộ máy nhà nước, PAPI cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình. Với cách đánh giá như vậy, chỉ cần một khâu trong toàn bộ quy trình bị “vướng” sẽ lập tức kéo thấp hiệu quả thực thi chính sách.
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ đánh giá công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2018 của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho rằng, việc các chỉ số cải cách mang tính cạnh tranh của tỉnh có chiều hướng giảm là điều hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh. Do đó, để cải thiện các chỉ số cạnh tranh, cần phải làm rõ nguyên nhân tụt giảm của từng nội dung, từng chỉ số và đề ra giải pháp để sớm khắc phục với các chỉ số này.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc