Ea Kar phát triển cây ăn quả theo hướng chủ lực trong nông nghiệp
Không phải là vùng đất thế mạnh về cây cà phê và hồ tiêu, những năm qua, nông dân các địa phương của huyện Ea Kar đã tìm tòi, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của huyện bởi nhiều loại cây ăn quả đã mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nông dân và có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi cây trồng phù hợp
Gần chục năm đầu tư trồng 1,5 ha cà phê, điều nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năm 2010, vợ chồng anh Hoàng Trí Dũng ở thôn 3, xã Cư Elang quyết định vay vốn trồng 1.000 cây quýt đường. Sau 3 năm dày công vun xới, vườn quýt đã cho những quả ngọt đầu tiên. Đến nay, sản lượng quýt của vườn nhà anh Dũng đã đạt trên 100 tấn/năm. Theo anh Dũng, quýt đường là loại cây phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, khả năng cho trái không thua kém gì các nơi khác. Việc tiêu thụ quýt cũng khá thuận lợi, giá bán tại vườn từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, mỗi năm cũng thu về cả tỷ đồng/ha.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Elang cho biết, phần lớn diện tích sản xuất ở xã là đất bạc màu, pha cát nên không thích hợp trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Từ năm 2009 đến nay, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam, quýt, bưởi, nay đã có khoảng 300 ha, trong đó có 150 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Việc phát triển cây ăn quả đã đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.
Anh Nhữ Văn Đàn ở thôn Quyết Tiến 2, xã Ea Týh đang thu hoạch vải. |
Ở xã Ea Týh nhiều năm nay nông dân đã phát triển mạnh cây vải thiều. Đơn cử như gia đình anh Nhữ Văn Đàn ở thôn Quyết Tiến 2, năm 2010 đã chặt bỏ 1 ha điều kém hiệu quả sang trồng 200 cây vải U Hồng. Sau 3 năm vườn cây cho thu bói và hiện nay đạt sản lượng 10 tấn/năm. Anh Đàn cho hay, cây vải trồng ở đây thường chín sớm hơn các tỉnh phía Bắc khoảng 1 tháng nên giá bán rất cao, từ 30.000-50.000 đồng/kg, thương lái đến tận vườn thu mua, trừ chi phí cũng thu lãi 200-300 triệu/năm, cao gấp chục lần so với trồng điều.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Týh Nguyễn Tiến Thanh, bên cạnh thế mạnh chăn nuôi, từ năm 2010 đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã đang tập trung phát triển cây ăn quả với tổng diện tích trên 100 ha, chủ yếu là vải, nhãn, khoảng 60% diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều hộ đã biết cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây ra hoa trái vụ đem lại lợi nhuận cao.
Hướng đến sản xuất bền vững
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Ea Kar là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhưng 70% diện tích là đất xám pha cát nên không thích hợp để phát triển đại trà các loại cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê, sầu riêng, bơ. Vì vậy, huyện đã khuyến khích nông dân phát triển các loại cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai trên địa bàn như: cam, quýt, bưởi, vải, nhãn, mãng cầu… Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Týh; các xã còn lại chủ yếu trồng cây mãng cầu.
Các hộ trồng vải ở xã Ea Týh đã tạo được việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. |
Để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của các loại cây ăn quả, thời gian qua, huyện đã tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan học tập mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản triển khai mô hình sản xuất cam, quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã nông nghiệp thương mại, dịch vụ, vận tải Thành Công (xã Cư Elang). Hợp tác xã này đã góp phần bao tiêu từ 30-50% sản lượng cho các nông hộ. Ngoài ra, các xã như Ea Sar, Ea Sô đã hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón để thực hiện một số mô hình trồng vải, nhãn.
Tuy nhiên, để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện, theo ông Hồ Tấn Cư, huyện rất mong muốn được tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu để có thể xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, gắn kết thị trường tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Đồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư kinh phí cho huyện xây dựng vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao ở các xã Cư Elang, Ea Sar, Ea Sô.
Toàn huyện Ea Kar hiện có 1.530 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở các xã: Cư Elang, Ea Sô, Ea Sar, Ea Týh, Ea Ô, Xuân Phú, Cư Yang, Cư Prông, Cư Ni và thị trấn Ea Knốp; trong đó có 1.270 ha cây ăn quả cho thu hoạch với sản lượng trên 19.000 tấn/năm, đem lại cho huyện tổng giá trị trên 381 tỷ đồng/năm. |
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc